Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch trên 24,6 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN và Nhật Bản.

Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,6 tỷ USD, trong khi khu vực vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 10,5 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.

Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,6 tỷ USD, trong khi khu vực vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 10,5 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.

Giai đoạn này ghi nhận 17 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Điện thoại và linh kiện dẫn đầu danh sách này khi đạt 18 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều giảm so với cùng kỳ, trừ một số nông sản như gạo, cà phê, hạt điều tăng nhẹ.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu gần 97,5 tỷ USD hàng hoá trong 5 tháng đầu năm, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm. Khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 41,94 tỷ USD, phần còn lại thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước tính trên 28,9 tỷ USD.

Giá trị nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu hàng hoá với 93,3%, tương đương 90,98 tỷ USD. Nhóm hàng tiêu dùng chiếm thiểu số với khoảng 6,5 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hoá ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng nói, thăng dư thương mại này là do khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại, FDI bao gồm dầu khí xuất siêu đến 10,5 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,6 tỷ USD.

"COVID-19 diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam", báo cáo của Tổng cục Thống kê viết. 

Cũng phải nói thêm tình trạng này không phải đến nay mới có. Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy nhiều năm qua khu vực trong nước luôn nhập siêu và khu vực FDI luôn xuất siêu.

Cụ thể, năm 2010 khu vực trong nước nhập siêu 14,8 tỷ USD thì đến năm 2018 nhập siêu đã lên tới 25,5 tỷ USD. Trong khi đó khu vực FDI năm 2010 xuất siêu 2,2 tỷ USD, đến năm 2018 xuất siêu tới 32 tỷ USD.

Đặc biệt, theo số liệu của Tổng cục Thống kê luồng tiền chảy ra nước ngoài một cách hợp pháp thông qua chi trả sở hữu khoảng 18 tỷ USD. Tỷ lệ xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa đã tăng từ 54% năm 2010 lên 72% năm 2018.

“Như vậy có thể thấy việc xuất siêu hay nhập siêu của cả nước hoàn toàn do khu vực FDI quyết định. Nếu chỉ hời hợt nhìn vào con số tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu để cho là điểm nhấn là lạc quan “tếu”?”, TS Bùi Trinh nhận định.

Vị chuyên gia cũng phân tích thêm, con số xuất siêu có thể làm quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP tăng lên nhưng rõ ràng không nhiều có ý nghĩa với người dân Việt Nam, mà có thể là tín hiệu vui với các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam nhiều hơn.

Đáng chú ý là trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu thì 30% là nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, ước tính năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 24,2 tỷ USD; mới qua 9 tháng năm 2019 nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã là 27,2 tỷ USD.

TS Bùi Trinh lý giải, điều này đến từ cấu trúc của nền kinh tế, sản xuất của Việt Nam do chi phí đầu vào hầu hết sử dụng hàng nhập khẩu nên nếu không phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc thì cũng phụ thuộc vào nước khác.

“Có thể nhận thấy hai điểm rất rõ là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào khu vực FDI và khu vực trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc”, TS Bùi Trinh nhận định.