Đó là một trong những nội dung phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi báo cáo Chính phủ.

>>Quy định phòng cháy chữa cháy đang làm “khó” doanh nghiệp

hihihihi

Thực tế còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác phòng cháy chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa

Đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy

Theo đó, báo cáo về tình hình thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tháng 1 và tháng 2 năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nhắc tới những quy định về điều kiện kinh doanh là rào cản đối với doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực tế còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác phòng cháy chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Việc này được thực hiện sau khi một số vụ việc hỏa hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke.

Cơ quan này cũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh; điều kiện quá khắc nghiệt và làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp.

Mặt khác, trong một thời gian dài, công tác kiểm tra về phòng cháy chữa cháy mang nặng tính hình thức, chiếu lệ nên khi có vụ việc xảy ra thì cơ quan quản lý phản ứng theo chiều hướng cực đoan. Gần đây, cơ quan công an thực hiện kiểm tra phòng cháy chữa cháy liên tục; nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không thể đáp ứng được các yêu cầu ngặt nghèo về phòng cháy chữa cháy. Thực trạng này ảnh hưởng xấu tới cơ hội sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; việc làm của người lao động và các hệ lụy xã hội khác.

Trong báo cáo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy; tháo gỡ ngay các bất cập trong quy định về phòng cháy chữa cháy để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất kiến nghị sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp dụng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo mức độ rủi ro; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

hihihihihi

 Kiến nghị sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp Nhật Bản “than khó”

Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cũng có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị nhanh chóng cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy cho nhà sản xuất, kho xưởng.

Được biết, trong thư, JCCI cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định 136 quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy, có hiệu lực từ ngày 10/1/2021.

Sau khi nghị định ban hành, JCCI đã nhận được thư phản ánh từ các hội viên phản ánh việc có nhà máy và kho xây dựng mới, mở rộng ở Việt Nam nhưng không đưa vào hoạt động vì không thể xin được giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy của cơ quan chức năng.

Thiết kế cơ sở của nhà và thiết bị phòng cháy chữa cháy đã được cơ quan chức năng phê duyệt sau khi được cấp giấy phép xây dựng, nhưng hiện doanh nghiệp rất khó khăn để đáp ứng các yêu cầu thay đổi lớn theo quy định hiện hành.

Hơn nữa, Nghị định 136 có hiệu lực thi hành chỉ sau một tháng rưỡi khiến cho các nhà xưởng, nhà kho đang thi công khó áp dụng các tiêu chuẩn mới. JCCI đề nghị có biện pháp đặc biệt để có thể đẩy nhanh việc cấp giấy kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy, ví dụ áp dụng các quy định tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP.

Theo khảo sát của JCCI, thời điểm gửi văn bản có 18 dự án với tổng giá trị gần 3.100 tỉ bị ảnh hưởng. Không chỉ có doanh nghiệp xây dựng không thể bàn giao công trình, các nhà máy, kho hàng của các doanh nghiệp sản xuất và vận tải của Nhật tại Việt Nam không thể hoạt động. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

>>PCCC tại các chợ: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Doanh nghiệp Hàn Quốc cũng “kêu khổ”

Đáng chú ý trước đó, Đại sứ quán Hàn Quốc cũng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Xây dựng nêu vấn đề khó khăn của doanh nghiệp khi chậm được cấp giấy phép về phòng cháy chữa cháy đối với công trình công nghiệp và công trình dân dụng, dẫn đến đình trệ trong kinh doanh và sản xuất, kéo theo nhiều thiệt hại lớn về kinh tế. Đại sứ quán Hàn Quốc cũng đề nghị các cơ quan nhanh chóng điều tra tình hình và đưa ra giải pháp xử lý.

Trao đổi với báo chí, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho biết đã tiếp nhận nhiều nội dung vướng mắc trong quá trình đầu tư mới và đầu tư mở rộng của doanh nghiệp, do yêu cầu thực hiện quy định mới nghiêm ngặt liên quan đến cấp phép phòng cháy chữa cháy.

Vấn đề phát sinh là khi mở rộng nhà máy đang hoạt động, giấy phép phòng cháy chữa cháy và giấy phép hoàn công đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu mâu thuẫn với quy định quản lý hiện hành đã được thắt chặt.

Ví dụ, trước đây, ngay cả khi sử dụng tấm thạch cao đơn giản hoặc sơn chống cháy cho tường chống cháy của nhà máy, doanh nghiệp cũng không gặp trở ngại gì trong việc xin cấp phép phòng cháy chữa cháy. Nhưng nay phải sử dụng tấm thạch cao có tính chịu lửa. Do đó, khi doanh nghiệp xây dựng mở rộng nhà máy, chi phí thi công tăng lên và doanh nghiệp buộc phải thực hiện quy định hiện hành đối với cả nhà máy đã xây dựng trước đây và đang trong quá trình vận hành.

"Khi áp dụng quy định, có nhiều trường hợp áp dụng cách diễn giải tùy tiện của cơ quan phòng cháy chữa cháy địa phương, điều này dẫn đến có những trường hợp mất hơn 50 ngày mới được cấp phép phòng cháy chữa cháy.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy thực tế, quy định sử dụng tấm thạch cao có khả năng chống cháy riêng trong khi bản thân tấm thạch cao đã có tính chịu lửa là cách diễn giải thái quá", KOCHAM nêu.