kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. ảNH: Internet

Kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ảnh: Internet

Theo đó, để công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tạo được chuyển biến căn bản hơn, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt tổ chức quán triệt những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Xác định công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương; kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này. Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện tội phạm; phải phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá, hiệu quả đấu tranh của lực lượng liên ngành còn yếu, có sự đứt khúc trong phối hợp khi quản lý thị trường hoạt động tại địa phương nên sự phối hợp liên ngành, liên địa phương chưa cao. Chất lượng chuyên môn, phẩm chất của lực lượng chuyên ngành, quản lý thị trường là yếu kém tồn tại qua nhiều giai đoạn. Chế tài xử phạt hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng nhờn pháp luật.

“Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường hơn nữa, tăng các lực lượng liên ngành chống buôn lậu quy mô lớn, tinh vi. Ngoài ra, sẽ xem xét hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, đảm bảo đủ chế tài xử lý. Nâng cao phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật của các lực lượng chống buôn lậu. Tới đây, nếu lập Tổng cục Quản lý thị trường theo ngạch dọc để thực hiện quản lý chống buôn lậu, gian lận thương mại thì Bộ Công thương sẽ có cơ sở để làm mạnh hơn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Theo ông Lê Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND An Giang, điểm mấu chốt mà buôn lậu tồn tại được là các lực lượng chức năng ra quân thì buôn lậu biết hết, nhưng buôn lậu làm gì thì mình không nắm được. Bên cạnh đó là lợi nhuận từ buôn lậu còn cao, nên việc chống không đơn giản.

Ông Hưng cũng chia sẻ thông tin, các cơ quan chức năng đã phát hiện các cơ sở trong nước mua các nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, chất lượng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công, pha trộn, dán nhãn mác nhái các thương hiệu và cung cấp ra thị trường hàng giả, hàng nhái.

“Lấy kinh tế đánh kinh tế, không nên đấu giá đường, vì buôn lậu sẽ mua để lấy hoá đơn quay vòng; mở rộng cho nhiều lực lượng khác được bắt giữ buôn lậu, tăng tiền thưởng lên 50% giá trị tài sản bắt được và cơ chế khen thưởng nhanh chóng”, Phó chủ tịch An Giang kiến nghị.

Vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng… luôn là nỗi bức xúc lớn của người dân. Câu chuyện Tập đoàn Khaisilk thừa nhận bán 50% lụa Made in China trong hệ thống của mình, hay quản lý thị trường Hà Nội thu giữ tại Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam tới 14.000 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc (ước tính giá trị gần 11 tỷ đồng)… càng khiến vấn đề này trở lên nóng hơn lúc nào hết. Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng rất bức xúc về vấn nạn này.