>>>Xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số: Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Kinh tế số đóng góp hơn 10% GDP

TS Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, kinh tế số ở Việt Nam phát triển cao hơn về kỳ vọng. Trong số 99 triệu dân, có khoảng 72 triệu người dùng facebook, 30 triệu người dùng viber…  Số người sử dụng nền tảng xã hội số rất lớn với thời gian trung bình sử dụng các ứng dụng liên quan đến mạng xã hội là 2,5 tiếng đồng hồ/người/ngày.

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen của nhiều người dân

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen của nhiều người dân

Với khả năng tiếp cận không gian số nhanh chóng, chuyển đổi số không còn câu chuyện của những người làm công nghệ như trước đây mà đang đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân từ thành thị tới nông thôn đến mức có thể cầm, nắm được như cách mà người dân, doanh nghiệp đang mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là những trụ cột quan trọng của kinh tế số. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay kinh tế số đang đóng góp hơn 10% GDP; giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với năm 2021. 

Kinh tế số tại Việt Nam phát triển ấn tượng và người dân đang có xu hướng trở thành những người tiêu dùng kỹ thuật số cũng là nhận định được đề cập trong báo cáo “SYNC Đông Nam Á” do tập đoàn Meta và Bain & Company mới công bố. Theo báo cáo, cứ 8/10 người dân ở độ tuổi lao động ở Việt Nam là người tiêu dùng số. Đóng góp trung bình của thương mại điện tử vào tổng bán lẻ tại Việt Nam đạt mức 15% trong năm qua, cao hơn so với mức tăng 10% của Ấn Độ và 4% của Trung Quốc.

Sau khi dịch bệnh COVID-19, tuy có một tỷ lệ nhỏ (10%) người tiêu dùng được khảo sát đã chuyển qua mua sắm trực tiếp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều danh mục mua sắm ưu tiên lựa chọn “chốt đơn” online; một số ngành hàng, thậm chí còn thu hút được nhiều người lựa chọn mua sắm. Giá trị đơn hàng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng từ 45 USD trong năm 2021 lên 50 USD trong năm nay.

Ông Khôi Lê- Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của tập đoàn Meta đánh giá: mua sắm trực tuyến tiếp tục đóng vai trò là một kênh quan trọng.

Việt Nam đứng đầu về tỷ lệ đón nhận công nghệ tương lai

Báo cáo “SYNC Đông Nam Á” cũng đưa ra nhận định: người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam ngày càng hiểu biết hơn, chuyển đổi các thương hiệu thường xuyên hơn và tăng số lượng nền tảng mua sắm để tìm kiếm giá trị tốt hơn, với 22% số đơn hàng trực tuyến được thực hiện trên các nền tảng thương mại điện tử khác nhau. Giá trị là một trong những yếu tố chính thúc đẩy hành vi này khi "giá tốt hơn" được chọn là lý do hàng đầu để chuyển đổi nền tảng, tiếp theo là chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng nhanh hơn. Số lượng nền tảng trực tuyến được người tiêu dùng Việt Nam sử dụng, từ 8 nền tảng (năm 2021) lên 16 nền tảng (năm 2022). 

Tỷ lệ đón nhận các công nghệ Metaverse

Tỷ lệ đón nhận các công nghệ Metaverse

Ông Khôi Lê cho rằng: lao động trẻ và thu nhập của người lao động tăng lên tạo cơ hội cho thương mại điện tử tiếp tục phát triển ở Việt Nam. Các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể vươn lên mạnh mẽ nếu tập trung đi đúng hướng, xây dựng chiến lược kênh tích hợp, linh hoạt chuỗi cung ứng và ứng dụng các công cụ và công nghệ mới để tương tác với người tiêu dùng kỹ thuật số

Ngoài ra, nhờ tư duy tiên tiến, Việt Nam hiện nằm trong nhóm các thị trường đứng đầu về tỷ lệ đón nhận các công nghệ tương lai như công nghệ tài chính (fintech) và tiền điện tử, thực tế tăng cường/thực tế ảo, thế giới ảo và NFT (metaverse).Trong năm qua, 58% người tiêu dùng số tại Việt Nam đã sử dụng các giải pháp fintech (ngân hàng trực tuyến, ví điện tử, ứng dụng chuyển tiền, ngân hàng số toàn năng, v.v.).

Theo nhận định của ông Khôi Lê, việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số ở Việt Nam đang ở  thời điểm chín muồi và chủ yếu được thúc đẩy bởi tính năng và sự tiện lợi. 7 trong số 10 người tiêu dùng số tại Việt Nam đã sử dụng công nghệ của metaverse trong năm 2022. Đặc biệt, Việt Nam có tỷ lệ ứng dụng VR cao nhất trong các quốc gia Đông Nam Á với 29%.