LTS: Năm 2021 và những năm tiếp theo, hàng loạt cơ chế mới đã đặt TP HCM trước những vận hội, thời cơ và xuất hiện những động lực mới cho khởi đầu một giai đoạn phát triển mới.

Cơ chế để TP HCM băng qua ngưỡng cửa này, tìm lại vị thế của mình?

 Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội TP HCM năm 2021. Nguồn: HĐND TPHCM, TTX.

Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội TP HCM năm 2021. Nguồn: HĐND TPHCM, TTX.

“Thể chế và thể chế”

TP HCM và vùng Đông Nam Bộ hiện vẫn đang đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP (45%) và ngân sách (40%) cho cả nước. Trong vùng, TP HCM cũng vẫn là kinh tế đầu tàu đóng góp lớn nhất về vốn đầu tư xã hội (56%) và tăng trưởng GDP (56%). Nhưng câu chuyện thành công về phát triển kinh tế và điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư kinh doanh của TP HCM nói riêng và vùng nói chung đang có nguy cơ trở thành chuyện quá khứ khi tăng trưởng bắt đầu đuối sức.

Lãnh đạo TP HCM đã và đang rà soát lại các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn tới. Đầu tiên, là nguồn lực về con người. Thứ hai là nguồn lực về đất đa. Về nguồn lực về tài chính, thu hút đầu tư, hình thành trung tâm tài chính của cả nước tại thành phố. Thành phố tập trung tích lũy cơ sở hạ tầng, tài sản nông nghiệp, khả năng nghiên cứu và dịch vụ...

Thúc đẩy hợp tác với các địa phương trong nước và nước ngoài, đặc biệt chọn các đối tác chiến lược của thành phố trên cơ sở lựa chọn các đối tác chiến lược với Việt Nam. Nhưng làm thế nào để liên kết vùng và mối liên hệ giữ TP HCM với Tây Nam Bộ, với Đông Nam Bộ thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng, là cả vấn đề lớn”. Vấn đề nằm đúng điểm then chốt mà TS Trần Du Lịch, TV Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ gọi tên, đó là “Thể chế, thể chế và thế chế”.

Cần một hội đồng vùng

TP HCM xác định chủ đề năm 2021 là: "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư". Thành phố quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung triển khai bảo đảm tiến độ 49 nội dung, chương trình đề án của 3 chương trình đột phá, 1 chương trình trọng điểm.

Thể chế ở đây không hoàn toàn chỉ là định chế. Nhưng trước hết nó cũng là câu chuyện định chế khi để phát triển kinh tế vùng, việc thiết lập một Hội đồng điều phối kinh tế vùng đối với TP HCM và địa phương và vận hành hiệu quả dường như quá khó khăn.

Trong một bài viết nhân sự kiện “Diễn đàn Đầu tư vùng trung du và miền núi phía Bắc: Tầm nhìn 2020-2030” do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tháng 4/2021, chúng tôi trích dẫn công bố của CIEM: Trừ thí điểm ở ĐBSCL, “các vùng kinh tế-xã hội còn lại vẫn chưa được áp dụng bất cứ một cơ chế chính sách khuyến khích liên kết nào từ phía chính quyền Trung ương. Hóa giải được nút thắt này, mới thực sự có cơ hội hóa giải những rào cản đang bó hẹp tư duy và nhận thức về lợi ích của liên kết vùng”. Thực tế, vùng Đông Nam Bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện cũng có một Hội đồng vùng. Song do chưa có một văn bản Luật hay Nghị định nào cụ thể hóa nội hàm “thúc đẩy liên kết kinh tế vùng” theo Hiến pháp 2013, Hội đồng này chưa thực sự thể chế hóa.

Ngoài yếu tố định chế cơ bản tham gia trong hệ thống thiết chế, thể chế còn là quy tắc, luật định… nhằm hướng đến hài hòa các quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân, mọi tổ chức trong một trật tự XH, hướng tới sự tổng hòa các lợi ích của cộng đồng. Tại TP HCM và vùng Đông Nam Bộ, thể chế đó, theo các chuyên gia, phải khởi đầu từ “thể chế hóa tư duy”.

GS Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM:
Nâng cao năng suất lao động

 

 
Từ kinh nghiệm trong nước và nước ngoài, muốn một nơi có năng suất lao động cao nhất, ứng dụng thành tựu của cách mạng 4.0 là trí tuệ nhân tạo ở giai đoạn phổ cập hóa như chúng ta thì địa phương đó phải có đủ tiền đề tương tác cung cấp nhân lực, tạo ra các giải pháp, ứng dụng giải pháp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. TP Thủ Đức có nhiều tiền đề hội tụ và nếu tiếp tục bổ sung với một chính sách phù hợp, đặc thù nó sẽ trở thành nơi có năng suất lao động cao nhất cả nước. Hiện nay năng suất của khu công nghệ cao TP HCM gấp 16,6 lần năng suất lao động của Việt Nam và 6,6 lần năng suất lao động của TP HCM. Nếu sau 5-10 năm năng suất lao động của TP Thủ Đức gấp 3 lần năng suất lao động của TPHCM, với dân số và lực lượng lao động TP Thủ Đức chiếm 10% dân số và lao động của TP, giá trị đóng góp GRDP của TP Thủ Đức vào kinh tế TP HCM là 30%; tương đương 6,6% GDP của Việt Nam. Nếu TP Thủ Đức phát huy được các cấu phần tương tác của mình hoàn toàn có thể trở thành địa phương có quy mô kinh tế lớn thứ 3 cả nước sau TP HCM và Hà Nội.

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM:
Hướng tới một trung tâm tài chính của Châu Á

Mục tiêu sắp tới của TPHCM, đến năm 2025 thành phố sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Tầm nhìn đến năm 2045, TPHCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 40.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

GS TS Sử Đình Thành – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh:
Cần cơ chế để kích thích vùng dẫn đầu

TP Hồ Chí Minh mất rất nhiều năm để “xin” được điều tiết ngân sách nhưng bài toán “tối đa hóa TP HCM” (tức TP HCM vẫn phải là địa phương đóng góp ngân sách nhiều nhất và tỷ lệ giữ lại rất thấp so với cả nước – PV) khiến TP HCM không thể nào có nguồn lực để phát triển được hạ tầng và phục vụ nhân sinh, kinh tế. Chỉ gần đây TP HCM mới được điều tiết và tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại tuy nhiên vẫn chưa thể cân bằng. Chúng ta cứ có tư duy đổ vào tỉnh nghèo, cào bằng để cả nước phát triển, tạo đường cong đi xuống không thể kích thích một Thành phố dẫn đầu, một vùng dẫn đầu, khó mà kích tăng trưởng kinh tế đi lên đột phá. Lấy tỉnh nghèo để đổ lực đầu tư, đi lên là làm sai bài toán.