Mô hình trồng măng tre khá phổ biến ở Cà Mau nhưng chủ yếu ở vùng ngọt. Với mong muốn tìm hướng đi mới cho vùng đất mặn, ông Nguyễn Trung Đức (ở tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước) đã lên Bến Tre học hỏi kinh nghiệm và đã trồng thành công măng tre trên vùng đất khắc nghiệt của địa phương. Ngoài ra, với bản tính cần cù lão nông còn kết hợp làm thêm các mô hình khác trên đất vuông của gia đình để có thu nhập cao.

Trước khi về ở Cái Nước, ông Nguyễn Trung Đức đã có kinh nghiệm trồng màu nhiều năm tại vùng đất bị nhiễm mặn huyện Năm Căn. Tuy nhiên, khi về địa phương, mặc dù có gần 4ha đất vuông nuôi tôm nhưng ông Đức không tiếp tục trồng rau màu. Bởi ông nhận định, vùng đất này bị nhiễm mặn quanh năm và gặp khó khăn về nguồn nước tưới.

Gia đình ông Nguyễn Trung Đức đầu tư hệ thống máy tưới để thuận lợi chăm sóc măng trong mùa hạn mặn.

Gia đình ông Nguyễn Trung Đức đầu tư hệ thống máy tưới để thuận lợi chăm sóc măng trong mùa hạn mặn.

Từ đó, vào khoảng năm 2010, ông Đức đã lên tỉnh Bến Tre học hỏi các mô hình phát triển kinh tế. Lão nông nhận thấy giống tre Mạnh Tông dễ trồng, ít phải chăm sóc nên đã mua về trồng thử nghiệm.

“Mình phải đắp đất cao lên rồi mới trồng măng, mấy mô đất đang nổi trong vườn chính là nơi trồng măng. Thêm đất cho măng không thêm trực tiếp vào gốc mà cách xa 5 – 6 tấc, vì nếu để đất vào sát gốc chỉ thu được măng sậy nhỏ”, ông Đức chia sẻ.

Ban đầu ông Đức trồng măng thành công nhưng năng suất không đạt như kỳ vọng. Vừa làm ông vừa tìm hiểu thêm kỹ thuật và đã biết cách giữ ẩm cho những gốc măng Mạnh Tông bằng các loại vỏ, lá cây khô. Lão nông cũng biết vun gốc đúng cách để măng đạt chất lượng.

Để tăng năng suất, vào đầu mùa mưa ông Đức bón 1 lần phân. Đến cuối mùa mưa, ông bón thêm đợt phân nữa để cây măng chống chịu qua mùa hạn mặn. Đặc biệt, vào mùa khô kỷ lục năm 2019-2020, ông đã đầu tư 1 hệ thống máy tưới để giữ chất lượng cây măng tốt nhất.

Ông Đức cho biết, do trồng trên đất phèn mặn nên vào giữa mùa mưa là chất lượng măng tốt nhất và cũng chính là thời điểm măng cho năng suất cao nhất. Với diện tích chưa đến 3.000 m2, gia đình ông Đức có nguồn thu vài chục triệu mỗi mùa. Ngoài ra, gia ông còn bán khoảng 300 mục măng giống cho người dân địa phương, với giá từ 50.000-60.000 đồng/mục.

“Trước đây trồng măng không có tưới nước nên cuối mùa cần bón chừng 20 kg phân NPK cho mỗi khóm măng. Hết mưa vào khoảng cuối tháng 10 lại bón thêm cho măng 1 đợt để chống chịu qua mùa khô. Một năm chỉ cần bón 2 đợt phân NPK”, ông Đức chia sẻ.

Với bản tính cần cù, trên diện tích đất gần 4 ha của gia đình, ngoài nuôi tôm, trồng măng, ông Đức còn thực hiện nuôi cá nước ngọt, trên bờ bao ông trồng thêm thanh long. Từ đó, gia đình ông có thu nhập rất cao từ các mô hình. Trong đó, mô hình trồng măng tre đã mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương.

Mô hình trồng măng trên đất mặn giúp tạo hướng đi cho một số hộ dân ở địa phương.

Mô hình trồng măng trên đất mặn giúp tạo hướng đi cho một số hộ dân ở địa phương.

Ông Phạm Văn Dẻn, Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước đánh giá, mô hình đa cây đa con của ông Đức rất hiệu quả. “Ông Đức chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệp nuôi trồng. Tre ông mua có chất lượng tốt nên cho hiệu quả cao, trung mình 1 cây măng là 2 kg được thương lái tự vào nhà mua cũng như được cung cấp tại chỗ cho bà con”, ông Dẻn nói.

Dù đã bước qua tuổi 75 nhưng với ông Nguyễn Trung Đức lao động chính là niềm vui. Trồng đa cây, nuôi đa con không chỉ tạo nguồn thu nhập cho gia đình mà theo ông Đức thì đó cũng là cách nêu gương cho con cháu biết trân quý giá trị của lao động và phát huy tiềm năng của đất để tạo ra sản vật cho địa phương.

https://vov.vn/kinh-te/lam-giau-tu-trong-mang-tre-tren-dat-man-o-ca-mau-847037.vov