>>>Vinasun "lăn bánh" qua vạch kinh doanh lỗ

Theo đó, ông Đặng Thành Duy - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam – Vinasun (HoSE: VNS) vừa thông báo đã mua thành công hơn 3,39 triệu cổ phiếu VNS. Thời gian giao dịch từ 19/5 - 17/6.

ông Đặng Thành Duy - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam – Vinasun (HoSE: VNS) vừa thông báo đã mua thành công hơn 3,39 triệu cổ phiếu VNS.

Ông Đặng Thành Duy - Phó Tổng giám đốc đã mua thành công hơn 3,39 triệu cổ phiếu VNS.

Trước đó, ngày 15/5, ông Đặng Thành Duy đã đăng ký mua 4,8 triệu cổ phiếu VNS, tương đương với 7,07% vốn điều lệ. Như vậy, ông Duy mới chỉ mua thành công trên 70% số lượng đăng ký. Ông Duy cho biết không mua được như đăng ký là do thị trường không phù hợp.

Được biết, ông Đặng Thành Duy chính là con trai của ông Đặng Phước Thành - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT VNS. Mẹ ông Duy là bà Ngô Thị Thúy Vân hiện cũng đang nắm giữ hơn 8 triệu cổ phiếu, tương đương với 11,91% vốn điều lệ của VNS. Với việc, ông Duy mua thành công 3,39 triệu cổ phiếu, qua đó, nâng tổng sở hữu của gia đính Chủ tịch VNS Đặng Phước Thành lên đến 28,4 triệu cổ phiếu, chiếm 41,82% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Về kết quả kinh doanh, quý I/2022, doanh thu thuần của VNS đạt 164 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Trong kỳ giá vốn giảm mạnh hơn đã giúp biên lãi gộp của VNS tăng vọt từ 3% lên gần 22%. Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ cũng tăng từ gần 2 tỷ đồng lên hơn 4,3 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng. Các khoản chi phí khác cũng đồng loạt giảm đã giúp VNS thu về hơn 12 tỷ đồng lãi ròng, trong khi cùng kỳ năm 2021, công ty lỗ hơn 29 tỷ đồng.

Theo giải trình của VNS, do từ giữa cuối năm 2021, Công ty đã thực hiện hàng loạt các chính sách và giải pháp nhằm giảm số lượng xe nằm bãi, giảm chi phí, khuyến khích lái xe quay lại kinh doanh, tập trung hoạt động của Công ty vào các địa bàn trọng điểm và các chính sách này đã phát huy tác dụng trong quý đầu tiên của năm 2022. Bên cạnh đó, do dịch COVID-19 đã được khống chế và giảm dần, các hoạt động kinh doanh và giao thương của TP.HCM dần phục hồi trở lại đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của Công ty.

Tại thời điểm cuối quý I/2022, tổng tài sản của VNS đạt hơn 1.470 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 23%, xuống còn 183 tỷ đồng. Nợ phải trả tại thời điểm này giảm 31%, ghi nhận gần 252 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn (vay và nợ dài hạn đến hạn trả) hơn 55 tỷ đồng, giảm 58% và dư nợ vay dài hạn hơn 26 tỷ đồng, giảm 55%.

Năm 2022, VNS đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt gần 639 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh Vinasun Corp gần 584 tỷ đồng và Vinasun Green là 55 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng dự kiến thu về hơn 27 tỷ đồng lãi sau thuế trong khi năm trước lỗ đậm hơn 277 tỷ đồng.

>>>Vinasun chưa thấy "ánh mặt trời"

Vinasun chính thức ra mắt dòng xe taxi với nhận diện màu sắc mới - màu đỏ hồi tháng 5/2021.

Vinasun chính thức ra mắt dòng xe taxi với nhận diện màu sắc mới - màu đỏ hồi tháng 5/2021. 

 

Nhìn lại kết quả kinh doanh của VNS, trong 2 năm 2020 và 2021, do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch, vận tải gần như bị đóng băng, đã khiến kết quả kinh doanh của VNS ghi nhận lỗ hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, năm 2020, VNS lỗ 211 tỷ đồng và năm 2021 lỗ 278 tỷ đồng, nâng tổng lỗ tính thuế lũy kế đến cuối năm 2021 của VNS là 471 tỷ đồng.

Việc lỗ 2 năm liên tiếp đã khiến cổ phiếu VNS bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 18/4/2022. Nếu như năm 2022, VNS không cải thiện được tình hình kinh doanh và vẫn tiếp tục lỗ năm thứ 3 liên tiếp thì theo quy định cổ phiếu VNS sẽ phải rời sàn giao dịch chứng khoán. Do đó, việc đặt kết quả kinh doanh có lãi trong năm nay của VNS cho thấy quyết tâm của ban lãnh đạo bằng mọi giá không để bị huỷ niêm yết cổ phiếu.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của VNS trong năm 2022 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo dự báo của VNS, năm 2022 môi trường kinh doanh sẽ còn rất nhiều khó khăn thách thức tác động lớn đến hoạt động của Công ty, khủng hoảng nặng nề của đại dịch COVID-19 tiếp tục gánh chịu những nguy cơ mới của cuộc khủng hoảng Ukcraine, tình trạng khan hiếm năng lượng và nguồn cung các nguyên liệu quan trọng, lạm phát cao toàn cầu cùng với biến động giá đối với một số mặt hàng thiết yếu và nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng trong sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.

Mặc dù vậy, VNS vẫn tin tưởng khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra khi các công ty nước ngoài đã bị khống chế về số lượng đầu xe cùng việc ban hành nhiều quy định mới. Trong năm nay, VNS sẽ mở rộng việc thanh toán online trên Vinasun App và tăng số lượng đặt qua app lên 10.000 lượt/ngày; tích hợp thanh toán với các Mobile Money App; hoàn tất việc nâng cấp GPS từ 2G lên 4G.

Về số lượng đầu xe, trong năm 2022, VNS dự kiến đầu tư mới khoảng 156 chiếc trong khi dự kiến bán trả chậm và thanh lý cho lái xe khoảng 506 chiếc, giảm đáng kể so với gần 1.900 xe thanh lý trong năm 2021; ngoài ra lượng xe hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài là khoảng 150 chiếc. Như vậy, đến cuối năm 2022, dự kiến số xe thực hiện hợp tác kinh doanh là 900 chiếc và tổng số xe dự kiến hoạt động là 2.621 chiếc.

VNS cho biết, năm nay, công ty sẽ tập trung khôi phục thị phần tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, đồng thời tìm cơ hội bắt tay với đối tác trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, công nghệ, tiêu dùng, thanh toán. Công ty tiếp tục thực hiện những cải tiến cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý với mô hình phân cấp.