Chủ tịch tỉnh Lai Châu phát biểu tại buổi gặp mặt doanh nghiệp sáng 203. (Ảnh: Nguyễn Trang)

Chủ tịch tỉnh Lai Châu phát biểu tại buổi gặp mặt doanh nghiệp sáng 203. (Ảnh: Nguyễn Trang)

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Lai Châu cũng đã tập trung hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp để góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển. 

Cùng với đó, tỉnh đã ban hành Nghị quyết phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, Nghị quyết về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch; Nghị quyết về phát triển rừng bền vững... trong đó có rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp, cho hợp tác xã, cho nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác.

Được biết, dù tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách phát triển doanh nghiệp, nhiều cơ chế hỗ trợ được tập trung hoàn thiện, góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển, nhưng việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn một số hạn chế, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ; vẫn có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, ngừng hoạt động.

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh về Đề án "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025”, Chủ tịch UBND tỉnh đã được nghe dự thảo báo cáo về đề án này. Dự thảo đề án xác định một số mục tiêu trọng tâm như: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu tốc độ phát triển doanh nghiệp mới hàng năm đạt từ 10% trở lên. Hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo việc làm mới cho khoảng trên 2.600 lao động; đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 65% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nhà đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn của nền kinh tế thị trường, vượt qua cả những tác động của dịch bệnh COVID-19 để không ngừng vươn lên, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm, thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước.

Để trực tiếp nắm bắt tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp trên địa bàn, mới đây, ông Trần Tiến Dũng đã tham gia buổi gặp gỡ doanh nghiệp do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lai Châu tổ chức trong chương trình “cafe doanh nhân”.

Theo đó, có trên 40 doanh nghiệp, hợp tác xã tham dự đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước cuộc gặp này. Họ cho rằng, đây là cuộc gặp gỡ mà các doanh nghiệp có thể bày tỏ một cách cởi mở tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Qua đó, các doanh nghiệp đã trực tiếp kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh về khó khăn trong việc xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp; đề xuất tỉnh tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh; hỗ trợ giá đất thuê mặt bằng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, tạo điều kiện về chính sách cho doanh nghiệp du lịch; đầu tư phát triển giao thông để phát triển du lịch; kích cầu du lịch; mở lớp đào tạo cho lao động địa phương đặc biệt là cho con em người dân tại các bản văn hóa về kiến thức, kỹ năng làm dịch vụ du lịch; đẩy nhanh triển khai dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai...

Ông Vũ Quang Toán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lai Châu cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thời điểm ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cũng chưa kịp thời (chính sách miễn giảm thuế doanh nghiệp khó tiếp cận; giá thuê đất cao…).

“Buổi đối gặp gỡ lãnh đạo tỉnh trực tiếp như vậy là cơ hội để doanh nghiệp và chính quyền gần nhau hơn. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã rất cầu thị, chia sẻ với doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp tục có những buổi gặp gỡ, đối thoại “trực tiếp”, thẳng thắn nhiều hơn để giải quyết các khó khăn kịp thời hơn. Doanh nghiệp cũng mong muốn sau buổi gặp mặt, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt để các ngành vào cuộc, xem xét để giải quyết dứt điểm những đề xuất, kiến nghị. Làm sao để hướng đến sự hài lòng của doanh nghiệp”, ông Toán chia sẻ.

Theo ông Phạm Văn Tuyền - Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ tỉnh Lai Châu, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Do đó trình độ quản trị chưa đáp ứng, các thiết chế pháp lý cũng hạn chế; việc cập nhật, nắm bắt các chính sách của tỉnh thường gặp khó và chậm.

Thông qua chương trình “café doanh nhân” này, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp năm bắt được tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng trực tiếp nắm bắt và hiểu hơn về những chính sách hỗ trợ của tỉnh. Thiết nghĩ, những chính sách này rất bổ ích và sẽ là phao cứu sinh cho doanh nghiệp nếu đi vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ cũng đánh giá cao ý kiến của lãnh đạo tỉnh khi đề xuất với các doanh nghiệp việc tổ chức các buổi gặp mặt thường xuyên hơn. Qua đó, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về phía lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - ông Trần Tiến Dũng bày tỏ mong muốn, các tổ chức hội, hiệp hội phải phát huy vai trò tổ chức hội của mình, đồng hành với cơ quan nhà nước, chủ động đề xuất, hiến kế tham gia với cấp ủy, chính quyền trong xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Lai Châu khẳng định luôn đánh giá cao và trân trọng với những gì các doanh nghiệp đã và đang cống hiến cho tỉnh nhà và luôn đặt niềm tin, kỳ vọng vào lực lượng doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh sẽ luôn sát cánh, đồng hành cùng các doanh nghiệp.

Tại buổi gặp gỡ sáng 20/3, Chủ tịch tỉnh Lai Châu đã giải đáp từng ý kiến của các doanh nghiệp. Đối với các ý kiến còn lại, sẽ tiếp thu đầy đủ, đồng thời giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và trả lời đầy đủ bằng văn bản, sớm giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp.

Năm 2020, khối doanh nghiệp tỉnh Lai Châu đã nộp ngân sách năm là 1.300 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng thu nộp ngân sách của doanh nghiệp đạt bình quân 38%, đạt tỷ lệ khoảng 50-60% nguồn thu nội địa ngân sách trên địa bàn tỉnh.