>>Vi phạm về chứng khoán: Dùng kinh tế xử lý quan hệ kinh tế

Đó là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Tiến Hoà - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Dự thảo sửa đổi lần 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (Dự thảo) về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đánh giá là đang thắt chặt hơn, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo Dự thảo mới nhất, mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ bị thu hẹp. Theo đó, doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn. Lý do Bộ Tài chính đưa ra quy định này là để hạn chế chuyển vốn giữa các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Dự thảo cũng đưa ra yêu cầu khắt khe hơn điều kiện tài chính với nhà phát hành như: tổng dư nợ vay trái phiếu từ tất cả các hình thức vay trái phiếu tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất; có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành có lãi và không có lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính được kiểm toán về tài sản đảm bảo với trái phiếu

Đặc biệt, Dự thảo quy định, nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành và phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán. Các quy định này được doanh nghiệp nhận định là sẽ làm hạn chế đáng kể thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cả phía cung lẫn phía cầu.

- Ông có thể phân tích cụ thể hơn với những quy định trong Dự thảo được cho là sẽ ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Quy định doanh nghiệp muốn phát hành riêng lẻ thì năm liền trước không được lỗ, nó gần giống việc phát hành chứng khoán ra công chúng. Điều kiện quay ngoắt 180 độ như thế thì khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt một số doanh nghiệp khởi nghiệp, làm sao họ có cái lãi được ngay, nhiều doanh nghiệp lỗ 5-10 năm và lỗ theo lộ trình. Vì vậy, điều kiện trên sẽ loại rất nhiều doanh nghiệp start-up hay dự án tốt.

Quy định không được phát hành TPDN để góp vốn, mua cổ phần cũng được dự báo sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn, có nhiều công ty con như BRG, TNR, Vingroup, Novaland… Lý do là, theo quy định này, công ty mẹ không thể phát hành TPDN để tài trợ cho công ty con thực hiện dự án. Trong khi đó, công ty con mới thành lập (vì mục tiêu phát triển dự án) khó đáp ứng được điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ. Chặn cửa huy động vốn qua kênh TPDN cũng sẽ khiến các doanh nghiệp ngại ngần đầu tư vào lĩnh vực mới.

>>Tài sản đảm bảo có là "đảm bảo" tốt nhất cho trái phiếu doanh nghiệp?

p/Cơ cấu phát hành trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2022. Nguồn: VBMA.

Cơ cấu phát hành trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2022. Nguồn: VBMA.

Với nhà đầu tư, dự thảo quy định thắt chặt điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp là hết sức tích cực, song việc đưa ra quy định về nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua TPDN của doanh nghiệp đại chúng hoặc có bảo lãnh thanh toán sẽ làm suy giảm thanh khoản thị trường, thắt chặt sức mua, khiến doanh nghiệp khó huy động vốn, có thể gây ra rủi ro lớn về vỡ nợ dây chuyền trên thị trường.

Hơn nữa, không có yếu tố nào đảm bảo công ty đại chúng có khả năng trả nợ tốt hơn công ty chưa đại chúng. Tài sản đảm bảo cũng không phải là cây đũa thần. “Bom nợ” Tân Hoàng Minh cho thấy, việc xử lý tài sản đảm bảo rất khó khăn, phức tạp. Bên cạnh đó, nghiệp vụ bảo lãnh thanh toán cũng chỉ có các ngân hàng thực hiện được.

Thực tế, rất ít khả năng các ngân hàng thương mại chấp nhận rủi ro này để bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu doanh nghiệp.

Việc đưa ra các quy định thắt chặt TPDN của Bộ Tài chính là cần thiết, tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn cần tìm điểm trung hòa để vừa bảo vệ nhà đầu tư, vừa thúc đẩy thị trường TPDN.

- Vậy, làm thế nào để quản lý tốt hơn nhưng không kìm hãm thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, thưa ông?

Hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác. Nếu không hiểu rõ, không làm rõ được mục tiêu, mong muốn của việc ban hành quy định pháp luật mà tiếp tục sửa đổi, thì không những không giảm điều kiện kinh doanh mà còn tăng gấp đôi điều kiện phát hành trái phiếu. Điều đó sẽ rất khó cho thị trường. Do đó, cần hài hòa khi sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP làm sao siết chặt quản lý nhưng không kìm hãm thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

Để thị trường TPDN phát triển lành mạnh, an toàn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc bao gồm rà soát, đánh giá rủi ro từ hoạt động cung cấp dịch vụ và phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Đồng thời, cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nhưng cũng phù hợp, sát gần doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, đề cao vai trò tiền kiểm. Để lành mạnh hóa thị trường, cần vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro.

Trước mắt, cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

- Xin cảm ơn ông!