>> TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hỗ trợ lãi suất khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Với giả định lãi suất cho vay bình quân là 10% thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng vay nợ được hỗ trợ lãi suất

Với giả định lãi suất cho vay bình quân là 10% thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng vay nợ được hỗ trợ lãi suất

Theo đó, những doanh nghiệp được hỗ trợ khi có mục đích vay vốn thuộc các ngành như hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin, trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố. Tuy nhiên, không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg.

Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31 tháng 12 năm 2023.

Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định trên.

Đến thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ lãi, ngân hàng thương mại thực hiện giảm cho khách hàng số lãi tiền vay phải trả bằng số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất trong kỳ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Thành, Trưởng phòng phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Pinetree, với giả định lãi suất cho vay bình quân là 10% thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng vay nợ được hỗ trợ lãi suất, chiếm tỷ trọng tương đương khoảng 9% dư nợ toàn hệ thống. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, gói hỗ trợ lãi suất trên sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng.

“Về tính chất cơ bản của gói hỗ trợ lãi suất, đây là một giải pháp mang tính chất kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tính ưu việt từ giải pháp này nằm ở chỗ, dù xuất phát điểm là chính sách tài khóa do nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (40.000 tỷ đồng), nhưng không thực hiện cấp phát trực tiếp mà thông qua hệ thống cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại”, ông Thành nói.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Lê Thị Thương, đại diện CTCP Đào tạo và  Du lịch Việt Nam bày tỏ, giảm 2%/năm sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hướng đến những ngành có đóng góp cho việc phục hồi kinh tế.

“Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng cấp bù lãi suất là vấn đề có lẽ nhiều doanh nghiệp phải băn khoăn. Như trong lĩnh vực du lịch của chúng tôi, sau 2 năm dài chống lại đại dịch COVID-19, gần như không có doanh thu, cơ cấu hoạt động của công ty có nhiều thay đổi, thậm chí phải sống nhờ bằng ngành nghề khác. Trong khi đó,  chính sách hỗ trợ lãi suất cần dựa vào hồ sơ vay vốn, yêu cầu doah nghiệp đáp ứng các chuẩn mực cho vay như không có nợ đang được cơ cấu, nợ xấu, mới được tiếp cận chính sách hỗ trợ này thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Thương quan ngại.

Tương tự, một số công ty khác cũng nêu thực tế, thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng họ không thể tiếp cận do điều kiện, thủ tục quá khó. Vì vậy, cơ quan chức năng cần cải cách các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của nhà sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo công ty du lịch Golden Smile Travel đề xuất, với những công ty hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, khi muốn vay vốn ngân hàng chắc chắn không có gì để cầm cố, vì vậy cần có chính sách riêng như dựa vào báo cáo thuế, số lượng nhân sự, có bao nhiêu hợp đồng trong thời gian tới, giá trị hợp đồng ra sao... để cho vay.

>> Đừng để “xa vời” gói hỗ trợ lãi suất

Về vấn đề này, nhiều ngân hàng thương mại cũng cho rằng rất khó xử trong chuyện cho vay, không phải ngân hàng không hỗ trợ, mà các tiêu chí giải ngân vẫn phải đạt chuẩn, tránh tình trạng nợ xấu, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm. Thực tế, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất lớn đến mấy cũng không có ý nghĩa, nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện vay.

Điều kiện để được hưởng cấp bù lãi suất là vấn đề có lẽ nhiều doanh nghiệp phải băn khoăn

Điều kiện để được hưởng cấp bù lãi suất là vấn đề có lẽ nhiều doanh nghiệp phải băn khoăn

Trước nhiều băn khoăn, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, về quy trình, ngân hàng cũng muốn có những cái chắc chắn để sau này hạn chế rủi ro kiểm toán, kế toán. “Tuy nhiên, gói này cứ làm, đừng đợi quá hoàn hảo, luật là do mình, trong quá trình làm có những vướng mắc, phát sinh thì mình linh hoạt điều chỉnh và chấp nhận rủi ro ở mức nhất định".

Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã khẳng định, để đi vào thực tế, gói hỗ trợ lãi suất này sẽ cần sự chung tay từ cơ quan quản lý nhà nước cho đến các ngân hàng thương mại để triển khai sao cho hiệu quả, đúng quy định, đúng đối tượng.

“Hiện nay các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng không thể ai cũng trông chờ vào gói hỗ trợ lãi suất này được. Gói hỗ trợ chỉ dành cho một số đối tượng ưu tiên cần thiết chứ không thể dàn trải cho tất cả đối tượng. Dù ưu tiên nhưng cần phải trúng đối tượng chứ ưu tiên mà chệch đối tượng thì thành ra sai phạm. Muốn trúng đối tượng thì phải có hướng dẫn tỉ mỉ, đầy đủ, giám sát chặt chẽ”, Phó Thống đốc thông tin.