>>> Nỗi lo “áp đặt” niên hạn chung cư

Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có đề xuất về thời hạn sở hữu chung cư. Tại dự thảo luật lần này, Chính phủ đưa ra một phương án duy nhất, chính là sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Đây là khối tài sản rất lớn của người dân

Căn hộ chung cư là khối tài sản rất lớn của người dân. Ảnh: LV 

Tờ trình Chính phủ nêu rõ “Cần thiết phải bổ sung quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư cũng như việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư”. Theo Luật nhà ở (sửa đổi) lần này, chủ sở hữu sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư bị phá dỡ và sẽ được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư đó khi mà họ nộp đầy đủ kinh phí xây dựng khu mới.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đồng tình cho rằng cần phải quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư nhằm cải tạo dễ dàng hơn các chung cư cũ, chung cư hết giá trị sử dụng. Đồng thời, quy định này khi được thông qua sẽ góp phần làm giảm giá nhà chung cư.

PGS.TS Võ Trí Hảo - Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định lo ngại, nếu quy định ghi rõ tuổi thọ công trình trong văn bản thẩm định thiết kế là 50 năm, 70 năm... sẽ có những hệ lụy như cách xây dựng của chủ đầu tư. Nhìn xa hơn, nếu đề xuất được thông qua, sau 50 năm, 70 năm công trình xuống cấp, cư dân mất quyền sở hữu căn hộ, vậy ai là người được tiếp quản tài sản và xây dựng lại công trình. 

>> Đề xuất áp niên hạn nhà chung cư: Bộ Xây dựng nói gì?

"Không thể sử dụng luật để suy đoán chất lượng, tuổi thọ công trình. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải quy định về việc đánh giá chất lượng công trình. Nếu công trình xuống cấp, không cần Luật nhà ở, sử dụng luật khác cũng đủ để di dời người dân ra khỏi chung cư", ông Hảo nêu.

Tại Philippines tất cả các dự án chỉ được sở hữu 50 năm. Ở Trung Quốc, đối với căn hộ bán để ở chỉ được sở hữu tối đa 70 năm. Tại Mỹ, khoảng 85% bất động sản được bán dưới hình thức có thời hạn. Thời gian sử dụng tối đa có thể lên tới 99 năm...

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, chung cư cần thiết sở hữu có thời hạn, bởi việc xử lý các chung cư khi hết niên hạn sử dụng là vấn đề cực kỳ khó. Nếu sở hữu chung cư có thời hạn, lợi ích đầu tiên là việc cải tạo chung cư sẽ được giải quyết rất đơn giản vì hết hạn, người dân sẽ chuyển đi nơi khác. “Tuy nhiên, khi thông qua Luật Nhà ở 2014, nhiều người phản đối quy định chung cư có thời hạn, nên vấn đề giải quyết như thế nào khi chung cư hết hạn sẽ rất nan giải”, ông Võ thừa nhận.

Đồng quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty TNHH CBRE Việt Nam cũng cho rằng, có tới hơn 70 quốc gia trong 220 quốc gia trên thế giới quy định căn hộ để bán có thời hạn, không có loại hình nào sở hữu vĩnh viễn. 

Tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần phải có lộ trình, không chỉ sửa riêng Luật Nhà ở, mà Bộ Xây dựng cần phối hợp với các Bộ khác để trình Chính phủ xây dựng một lộ trình sửa đổi pháp luật, bao gồm cả pháp luật dân sự và pháp luật về đất đai, đồng thời phải xây dựng lộ trình cho người dân để tạo được sự đồng thuận.