>> Ngân hàng làm lộ thông tin khách hàng?

Cảnh báo của một trường THPT ở Hà Nội sau khi nhiều phụ huynh nhận được cuộc gọi lừa đảo.

Cảnh báo của một trường THPT ở Hà Nội sau khi nhiều phụ huynh nhận được cuộc gọi lừa đảo.

Thời gian qua, những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội xuất hiện với tần suất khá nhiều. Mặc dù người dân đã được cảnh báo và nắm bắt những thông tin cần thiết để phòng tránh, thế nhưng các đối tượng lừa đảo luôn dùng những chiêu trò mới khiến người dân “sập bẫy”.

Đáng chú ý, liên tiếp các vụ lừa đảo bằng hình thức gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn phải cấp cứu và đề nghị chuyển tiền tạm ứng viện phí “lây lan” từ Nam ra Bắc, làm dư luận xã hội lo lắng về việc bảo mật thông tin cá nhân. Vì sao những thông tin ấy lại bị lộ lọt? 

Có thể nói rằng, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, tiện dụng từ các dịch vụ internet thì việc thông tin, truyền thông hiện nay rất nhanh chóng, thuận lợi. Thêm vào đó là dịch vụ tài chính ngân hàng đa dạng, chuyển tiền qua dịch vụ internet banking đang được ứng dụng rộng rãi khiến các quan hệ dân sự diễn ra nhanh chóng, việc chuyển tiền dễ dàng có thể thực hiện trên các thiết bị thông minh có kết nối internet.

Lợi dụng các tính năng của thiết bị thông minh và tiện ích của dịch vụ tài chính ngân hàng, nên các đối tượng xấu đã sử dụng các tiện ích này làm phương thức, thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản.

Hơn nữa, điểm chung của hình thức lừa đảo là các đối tượng có đủ thông tin về tên, lớp và trường con đang theo học. Khi gọi điện tiếp cận phụ huynh, các đối tượng sẽ đánh vào tâm lý lo sợ, thậm chí là hoảng loạn của phụ huynh khi nghe tin con em mình bị tai nạn, đang cấp cứu ở bệnh viện. Nếu thiếu tỉnh táo, phụ huynh có thể mắc bẫy và chuyển tiền cho các đối tượng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là thông tin của phụ huynh, học sinh lộ bằng cách nào?

Những cuộc điện thoại gọi đến liên tục khiến phụ huynh không giữ được bình tĩnh (ảnh minh họa)

Những cuộc điện thoại gọi đến liên tục khiến phụ huynh không giữ được bình tĩnh (ảnh minh họa)

>> Thế Giới Di Động "dính đòn nặng" từ nghi vấn lộ thông tin

>> Google lên tiếng về việc người dùng Gmail có nguy cơ lộ thông tin

>> Cách hạn chế tiết lộ thông tin cá nhân trên Facebook

Theo Trung tá Nguyễn Bá Sơn -Trưởng phòng Tham mưu, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), việc bán dữ liệu cá nhân trái phép trên mạng hiện nay được thực hiện theo ba hình thức chính. Một là, nhân viên quản trị hệ thống cơ sở dữ liệu thu thập trái phép dữ liệu trong hệ thống sau đó bán ra ngoài. Hai là, các doanh nghiệp chủ động thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng phục vụ kinh doanh, nhưng không thực hiện biện pháp bảo vệ tương xứng, dẫn tới bị lộ, bị chiếm đoạt hoặc nhân viên quản trị hệ thống thu thập rồi bán ra ngoài. Ba là, các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác.

Liên quan đến vấn đề này, TS Chu Thị Hoa (Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) cho biết đã rà soát khoảng 70 văn bản, pháp luật, từ Hiến pháp, các bộ luật rồi 37 luật có liên quan đến dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân, như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin… và TS Chu Thị Hoa nhận thấy rằng pháp luật Việt Nam đang còn những khoảng trống ở lĩnh vực này. Từ đó, bà đề nghị phải xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ đối với dữ liệu cá nhân.

Có thể thấy, dù đã bị vạch trần thủ đoạn lừa đảo nhưng các đối tượng vẫn tìm đủ mọi cách để có được thông tin và tiếp cận phụ huynh tại nhiều tỉnh, thành phố. Gia đình và nhà trường cần hết sức cảnh giác khi các đối tượng còn thường thay đổi hình thức, chiêu trò tinh vi khác để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Dĩ nhiên, đó là một sự thách thức pháp luật của các đối tượng phạm tội và cơ quan công an chắc chắn sẽ vào cuộc để chấn chỉnh lại vấn đề an ninh mạng, đảm bảo lại trật tự xã hội, an toàn cho người dân, cho xã hội. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng nên sớm khỏa lấp những khoảng trống pháp luật về bảo vệ dự liệu cá nhân của người dân.

Dẫu vậy, trong khi chờ đợi pháp luật xử lý, bên cạnh việc khuyến cáo phụ huynh, các trường cũng chú trọng nâng cao ý thức của học sinh về bảo mật thông tin khi sử dụng mạng xã hội bởi hiện nay, các em được tiếp cận khá sớm.