Đó là kiến nghị của một số chuyên gia xung quanh Luật Đất đai (sửa đổi) đang được dư luận xã hội rất quan tâm. Dự án Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 này.

>>Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa thể hiện đầy đủ quyền giám sát của công dân

hihii

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 này. Ảnh: QH

Theo GS. TS Lê Minh Tâm - nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định một cách toàn diện, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được đề cập đến.

Điển hình như về vấn đề Nhà nước thu hồi đất, ông Tâm bày tỏ cơ bản nhất trí với quy định về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, cần có quy định rõ hơn về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ cho việc thu hồi và bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và kiểm tra giám sát của Nhân dân.

Đối với những trường hợp Nhà nước thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại, GS.TS Lê Minh Tâm kiến nghị cần có sự phân biệt từng trường hợp cụ thể để có những quy định phù hợp, bởi đây là những trường hợp tương đối nhạy cảm, dễ bị lợi dụng, dễ gây ra sự bức xúc, bất bình, phản đối, khiếu kiện của người dân và cộng đồng dân cư có lợi ích liên quan.

"Vì vậy, đối với những trường hợp này cần phải có sự đánh giá, cân nhắc thận trọng, bảo đảm hài hoà về lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và người quản lý, trên cơ sở bảo đảm đoàn kết, đồng thuận", nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phân tích.

Ông Tâm cũng nêu ý kiến nên quy định theo hướng khuyến khích nhà đầu tư thoả thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Hạn chế tối đa việc thu hồi đất cho các mục đích trên bằng phương pháp hành chính.

Được biết, trong báo cáo thẩm tra ngày 26/10 mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích, dự án nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp là chủ đầu tư. Nếu thu hồi đất phục vụ dự án nhà ở thương mại dễ dẫn đến bị lợi dụng và khiếu kiện gia tăng. Trong khi đó, Nghị quyết 18 của Trung ương nêu tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá kỹ lưỡng và cân nhắc thận trọng việc đưa dự án nhà ở thương mại thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm, nội hàm, giải thích cụ thể về "dự án đô thị" thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Đây là lần thứ hai Ủy ban Kinh tế không đồng tình với đề xuất thu hồi đất để xây nhà ở thương mại. Trước đó, hồi tháng 9, cơ quan này nêu quan điểm "cơ chế doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận khi chuyển nhượng đất để đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại là phù hợp cả về cơ sở chính trị và thực tiễn".

>>Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”

hihi

Các chuyên gia cho rằng, cần quy định rõ hơn về quyền hạn và trách nhiệm để làm căn cứ cho việc thu hồi đất, bảo đảm tính cụ thể, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và kiểm tra giám sát của nhân dân. Ảnh minh họa

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí các trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dự thảo Luật Đất đai đã bổ sung định nghĩa dự án thuộc loại này, nhưng phạm vi rộng, chưa cụ thể. "Cần phân biệt rõ hơn giữa mục đích phát triển vì lợi ích quốc gia, công cộng và kinh tế đơn thuần để minh bạch trong thu hồi đất, tránh bị lạm dụng, gây bức xúc cho người dân", báo cáo nêu.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi để tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch; dự án nhà ở tập trung cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; khu dân cư nông thôn...

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, trong đó cân nhắc trường hợp làm công trình văn hóa, thể thao; nhà an dưỡng; nhà khách của lực lượng vũ trang. Đây là điểm mới so với Luật Đất đai 2013.

Ủy ban Kinh tế phân tích, công trình văn hóa, thể thao, nhà an dưỡng, nhà khách của lực lượng vũ trang có thể dùng phục vụ quốc phòng và dân dụng. Nếu thu hồi đất để xây dựng các công trình này, nhưng sau đó sử dụng vào mục đích dân dụng dễ dẫn đến thiếu minh bạch, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội.

Về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đảm bảo người dân có chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ, Ủy ban Kinh tế đề nghị định lượng cụ thể, hướng dẫn chi tiết, đảm bảo khả thi.

Dự thảo đã bổ sung điều khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế tăng thêm với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng cần sửa đổi đồng bộ các luật quy định về thuế sử dụng đất.

Về nguyên tắc xác định giá đất phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường, cơ quan soạn thảo cần giải thích rõ hơn. Dự thảo đề xuất Chính phủ quy định phương pháp định giá đất, quy trình xây dựng bảng giá đất, định giá đất cụ thể. Nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng cần nêu cụ thể trong luật các phương pháp xác định giá đất.

Tính khả thi khi địa phương xây dựng bảng giá đất hàng năm cũng được Ủy ban Kinh tế đề cập. Địa phương xây dựng có ưu điểm là cập nhật kịp thời biến động giá đất trên thị trường, nhưng khả năng có triển khai được không, bởi việc thuê tư vấn, thu thập thông tin, quy trình, thủ tục thẩm định, trình phê duyệt... cần thời gian. Việc này có thể gây lúng túng trong áp dụng giá đất theo bảng giá của địa phương, bởi không xây dựng kịp. Vì vậy, có ý kiến đề nghị không nên xây dựng bảng giá đất hàng năm mà điều chỉnh khi biến động từ 20%.

Cũng nêu quan điểm xung quanh dự án Luật Đất đai (sửa đổi), PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Đại học Luật – cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai cần quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ quyền sử dụng đất cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, ở đây gồm các hộ gia đình có đất sản xuất chủ yếu là trồng lúa.

"Như chúng ta biết, bồi thường bằng tiền thì rất rẻ, không tương xứng với giá trị đất. Bởi nông dân không giao dịch đất nông nghiệp thì lấy đâu ra bảng so sánh giá thực tế trên thị trường để làm mức tối thiểu trong bồi thường, lại quay lại sử dụng mức giá đất mà tỉnh đã ban hành”, bà Nga nêu thực tế.

Vị chuyên gia nhấn mạnh phải có quy hoạch tốt. Nếu đã quy hoạch đất để sản xuất nông nghiệp thì phải có chính sách bảo vệ quyền sử dụng đất của người dân ở mức độ nhất định, phải giữ đất để người nông dân sản xuất.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng, giá đất khi đền bù, giải tỏa hiện nay còn chưa thỏa đáng nên phát sinh nhiều vụ việc kiện tụng. Người dân có nhà đất bị giải tỏa cần phải được đảm bảo quyền lợi thỏa đáng.

“Đây không phải việc mua bán nên không thể thuận mua - vừa bán, do đó cần phải xem xét kỹ càng trong các kế hoạch của Nhà nước”, Luật sư Nguyễn Thành Luân nêu quan điểm.