Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản trả lời Công văn số 43/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao về việc rà soát và đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật Phá sản, đồng thời có những kiến nghị, đề xuất phương án hoàn thiện đối với các quy định bất cập, vướng mắc của Luật Phá sản.

doanh nghiệp đã phản ánh một số vướng mắc sau khi áp dụng Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn.

Doanh nghiệp đã phản ánh một số vướng mắc sau khi áp dụng Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn.

Luật Phá sản năm 2014 được ban hành và phát sinh hiệu lực đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ và con nợ. Luật Phá sản năm 2014 có nhiều bước đột phá, khắc phục nhiều điểm bất cập, vướng mắc của Luật Phá sản trước đó và được đánh giá là có nhiều điểm tiến bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực trên, trong quá trình thực tiễn thi hành, doanh nghiệp đã phản ánh một số vướng mắc sau khi áp dụng Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn.

Thông báo mất khả năng thanh toán

Khoản 1 Điều 6 Luật Phá sản quy định “cá nhân, cơ quan, tổ chức khi phát hiện doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản quy định tại Điều 5 của Luật này”.

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức tín dụng là chưa phù hợp, vì theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hạng tại tổ chức tín dụng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Như vậy, các tổ chức tín dụng nếu biết được tình trạng mất khả năng thanh toán của khách hàng cũng không thể thông báo cho những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản.

Do đó, VCCI đề nghị điều chỉnh lại quy định này để phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Về chi phí thực hiện phá sản

Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bao gồm thù lao Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và chi phí khác.

Nghị định 22/2015/NĐ-CP mới chỉ quy định chi phí thực hiện phá sản trong trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện còn trong trường hợp Chấp hành viên thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản (theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 120 Luật Phá sản) và thực hiện việc thanh lý tài sản (theo quy định khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản) lại chưa quy định rõ ai là người phải chi trả những chi phí trên.

Theo quy định tại Điều 73 Luật Thi hành án dân sự quy định về chi phí cưỡng chế đã quy định rõ các trường hợp mà người phải thi hành án, người được thi hành án, ngân sách phải thanh toán. Tuy nhiên, đối với trường hợp thi hành quyết định tuyên bố phá sản thì không có người phải thi hành án, do đó, các chi phí khi Chấp hành viên thực hiện các công việc trên có được được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán hay không?

Từ đó, VCCI đề nghị bổ sung quy định về vấn đề này để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.