hihihihihi

Thông tư số 25/2022/TT-BTTTT ra đời với kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách. Ảnh minh họa

Theo Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, hàng rào thuế quan ngày càng cắt giảm; sản phẩm CNTT, điện tử hầu hết có thuế suất thuế nhập khẩu 0%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguyên liệu vật tư linh kiện để sản xuất sản phẩm CNTT, điện tử có mức thuế từ 5 - 20%.

Sự chênh lệch về thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc và nguyên liệu vật tư linh kiện dẫn đến các sản phẩm sản xuất trong nước kém cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số.

Xung quanh vấn đề này, bà Đỗ Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, doanh nghiệp điện tử nội địa đã chịu chi phí đầu tư công nghệ, thiết bị cao, lại phải tạm nộp thuế nhập khẩu và VAT. Với gánh nặng như vậy, doanh nghiệp nội mãi không thể lớn lên và cạnh tranh được với doanh nghiệp FDI trong chuỗi sản xuất ngay trên sân nhà. “Đó là chưa kể doanh nghiệp nội còn phải chịu thiệt thòi khi tham gia chuỗi muộn hơn, đơn hàng kém ổn định hơn so với các doanh nghiệp FDI…”, bà Hương chia sẻ.

Được biết, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Khoản 18 Điều 16) đã cho phép miễn thuế hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu vật tư linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT, nội dung số, phần mềm. Nghị định số 134/2016/NĐ-CP đã quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật, nhưng có nhiều khó khăn trong thực thi, gần như chưa có doanh nghiệp nào được hưởng lợi.

Do đó, một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP. Thông tư số 25/2022/TT-BTTTT (Thông tư 25) được ban hành vào cuối năm 2022 nhằm hướng dẫn thực thi các quy định tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP.

Các chuyên gia kỳ vọng, Thông tư 25 ra đời sẽ giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này, góp phần thúc đẩy nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm phần cứng điện tử Việt Nam, cũng như khắc phục tình trạng chênh lệch về thuế nhập khẩu giữa sản phẩm nguyên chiếc và nguyên liệu vật tư linh kiện.

Theo bà Trần Thị Khánh Linh, Phó Trưởng phòng Chính sách thuế - Cục Thuế xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho rằng, Thông tư 25 là cơ sở pháp lý để xử lý công tác miễn thuế thuận lợi hơn.

Bà Linh cũng cho biết, theo hướng dẫn của Thông tư 25, chủ dự án có trách nhiệm gửi hồ sơ thông báo danh mục miễn thuế cho cơ quan hải quan trước khi đăng ký tờ khai hàng hóa nhập khẩu đầu tiên. Dự án sản phẩm CNTT, nội dung số, phần mềm cần có bản thuyết minh dự án. Hồ sơ miễn thuế bao gồm: hồ sơ hải quan, hợp đồng ủy thác trong trường hợp ủy thác xuất nhập khẩu hàng hóa, hợp đồng cung cấp hàng hóa theo văn bản trúng thầu hoặc văn bản chỉ định thầu, trong đó ghi rõ giá cung cấp hàng hóa không bao gồm thuế nhập khẩu trong trường hợp tổ chức và cá nhân trúng thầu nhập khẩu hàng hóa; danh mục miễn thuế kèm phiếu theo dõi trừ lùi đã được cơ quan hải quan tiếp nhận.

Tuy nhiên, với thủ tục như trên, các doanh nghiệp lo ngại khó có thể tiếp cận. Sản phẩm CNTT và điện tử thay đổi công nghệ thường xuyên nên việc phải có thuyết minh dự án là quá phức tạp và gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

>>Giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi, giá xăng dầu liệu có được như kỳ vọng?

iihihi

Dù Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã cho phép miễn thuế hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu vật tư linh kiện điện tử, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng bởi thủ tục quá phức tạp. Ảnh minh họa

Do đó nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần ban hành chính sách nhất quán, ổn định, có tiên lượng lâu dài, ưu tiên cho doanh nghiệp nội. Quá trình hậu kiểm, kiểm tra mã HS kéo dài gây mất thời gian, tốn kém chi phí và trượt mất cơ hội của doanh nghiệp. Quy định pháp lý chưa rõ ràng, nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến thực tế nhiều doanh nghiệp bị xử lý vi phạm oan.

Thực tế đã có doanh nghiệp phản ánh, khi làm thủ tục, doanh nghiệp được xét duyệt ưu đãi thuế, nhưng khi hậu kiểm, cơ quan hải quan, cơ quan thuế không chấp nhận, doanh nghiệp không những phải đóng tiền truy thu mà còn bị phạt. Mặt khác, khi nhập khẩu, doanh nghiệp phải tạm ứng tiền thuế, nhưng hoàn thuế phải đợi 3 - 6 tháng, thậm chí cả năm, gây áp lực lớn lên dòng tiền của doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thúy Hương, các chính sách thuế hiện không phân biệt đối xử doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI, nhưng thực tế doanh nghiệp nội địa có được hưởng lợi hay không thì Nhà nước cần phải có đánh giá cụ thể, nếu không thì văn bản pháp lý đó là vô nghĩa. “Doanh nghiệp chịu trách nhiệm kê khai nhưng không có mẫu biểu (form) thống nhất, rõ ràng thì từ thời hạn 3 ngày phê duyệt có thể lên tới 3 tháng, cơ quan hải quan nay bảo đúng, mai bảo sai”, bà Hương nhấn mạnh.

Để tránh trường hợp ban hành chính sách mà không thực hiện được, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu, tham khảo chính sách hỗ trợ phát triển ngành CNTT và điện tử ở các quốc gia khác. Chẳng hạn như Trung Quốc, doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà máy và hỗ trợ cho mỗi sản phẩm xuất khẩu...

Quan trọng hơn, Nhà nước cần đảm bảo sự cạnh tranh công bằng trên thị trường khi ban hành bất cứ một chính sách nào. Chính sách được ban hành mà không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ vô hình trung sẽ bóp nghẹt sự phát triển của doanh nghiệp.