Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo động lực đã được ban hành và thực thi, đến nay đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.
Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vẫn có những đổi mới trong quản trị doanh nghiệp, thích nghi với điều kiện thực tiễn và tạo ra đột phá trong sản xuất, kinh doanh để hình thành những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh với những dự án tham vọng, mang tầm vóc quốc tế, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô-tô, hàng không, công nghệ thông tin, tạo ra nhiều việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế của cộng đồng doanh nhân cần sớm khắc phục như: năng lực cạnh tranh doanh nghiệp vẫn ở mức trung bình so thế giới, chưa đạt mục tiêu lọt vào nhóm 3, nhóm 4 của ASEAN,... Việc khơi dậy, phát huy đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt Nam chưa được quan tâm tương xứng, chưa thật sự trở thành nguồn lực phát triển bền vững cho đất nước.
Do đó, để đáp ứng được kỳ vọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, định hướng tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045, đội ngũ doanh nhân cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp mới để xây dựng và phát huy vai trò của mình gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước.
Cùng với đó là những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm để đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế...
Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam coi đạo đức, văn hóa, kinh doanh là gốc, khoa học công nghệ hiện đại là năng lực cạnh tranh, nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác để cùng phát triển, cùng tiến xa.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và hiệu quả hoạt động, ban hành các quyết sách đúng đắn, kịp thời, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất; luôn đồng hành và tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân; tăng cường rà soát văn bản và giám sát việc thi hành pháp luật, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Hiện nay, đà suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên rõ rệt hơn trong khi lạm phát được dự báo vẫn duy trì ở mức cao, tính bất định gia tăng vì các xung đột địa chính trị, cạnh tranh khốc liệt giữa các nước lớn,... đặt ra nhiều thách thức về tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và lựa chọn chính sách đối với các nước.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ “mở” lớn, kim ngạch xuất nhậu khẩu gần gấp 2 lần GDP nhưng năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa còn nhiều hạn chế, thách thức với ổn định kinh tế vĩ mô còn hiện hữu, các thị trường tài chính, bất động sản, lao động và khoa học, công nghệ vẫn còn nhiều điểm nghẽn,... cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để khơi thông nguồn lực.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, năm 2023 cũng là năm các chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội phát huy hiệu quả sâu rộng hơn, nhất là việc giải ngân các dự án trong danh mục dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Điều hành lãi suất, tỷ giá, dự trữ ngoại hối, cung tiền sát thực với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; biên độ, thời gian điều chỉnh phải tính toán, dự báo phù hợp, có tầm nhìn, không gây sốc cho nền kinh tế. Đặc biệt lưu ý mối quan hệ mật thiết, tính liên thông giữa tín dụng, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản để phối hợp điều hành các chính sách đồng bộ, hài hòa, phù hợp, bảo đảm hiệu quả tổng thể.
Ngoài ra, cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá để khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tạo thêm việc làm, giảm thất nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, người lao động; đồng thời, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia...
Năm 2023, Quốc hội sẽ tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo điều kiện phát triển đồng bộ các thị trường, khơi thông nguồn lực. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua một số dự án Luật quan trọng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; xem xét Quy hoạch tổng thể quốc gia được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp ngày 21/12/2022 để trình Quốc hội tại xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai dự kiến vào tháng 01/ 2023. Những nội dung này sẽ là cơ sở quan trọng định hình không gian, lộ trình và nguồn lực phát triển của quốc gia trong thời gian tới.