Xe tăng Abrams của Mỹ hứa hẹn sẽ là một bổ sung mạnh mẽ cho quân đội Ukraine

Xe tăng Abrams của Mỹ hứa hẹn sẽ là một bổ sung mạnh mẽ cho quân đội Ukraine

Thời gian gần đây, đã xuất hiện các mâu thuẫn giữa Mỹ và Ukraine xung quanh các chiến lược quân sự, điển hình là việc nên giữ hay “buông bỏ” Bakhmut – chiến trường ác liệt thời gian qua. Nga đã bao vây thành phố này trong 9 tháng, nhưng các lực lượng Ukraine từ chối nhượng bộ. Tổng thống Zelensky còn nhấn mạnh rằng bảo vệ Bakhmut là chìa khóa để giữ các thành phố phía Đông khác.

Thế nhưng, các quan chức Mỹ lại nghĩ khác. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng nói rằng Bakhmut “có nhiều giá trị biểu tượng hơn là giá trị chiến lược và tác chiến”. Thậm chí trong cuộc họp mới đây, ông Austin một lần nữa khẳng định “Ukraine không còn thời gian để lãng phí”.

>> Chiến sự Nga- Ukraine sẽ khơi dậy chạy đua hạt nhân?

Xe tăng và huấn luyện là chủ đạo

Theo các quan chức và chuyên gia, Mỹ đã lên một kế hoạch lớn giúp Ukraine thực hiện chiến dịch phản công lấy lại các mục tiêu quan trọng trong năm 2023.

Hàng trăm xe tăng và xe bọc thép của Mỹ và phương Tây đang trên đường đến Ukraine, trong đó có 8 xe bọc thép vận chuyển lính qua sông lần đầu tiên được gửi đến Ukraine. Các đối tác của Mỹ và châu Âu cũng đang cung cấp một lượng lớn đạn dược và đạn pháo 155mm để đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhất của Kiev.

Ngoài ra, lãnh đạo Lầu Năm Góc còn tiết lộ các thiết bị và huấn luyện đang được cung cấp cho binh lính Ukraine. Tháng 2 vừa qua, hơn 600 lính Ukraine đã hoàn thành chương trình huấn luyện kéo dài 5 tuần ở Đức, tập trung vào các kỹ năng bắn tỉa, y tế và phối kết hợp với xe chiến đấu Bradley và xe bọc thép chở quân Stryker của Mỹ. Đợt huấn luyện thứ hai đang tiếp tục được tiến hành.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, cho biết: “Có một nỗ lực đáng kể đang diễn ra nhằm nâng cao năng lực cho quân đội Ukraine về trang thiết bị, đạn dược và huấn luyện ở nhiều quốc gia khác nhau để giúp họ cải thiện khả năng tự vệ”.

Mặc dù Mỹ bác bỏ việc gửi máy bay chiến đấu F-16, nhưng không quân Mỹ vẫn tham gia huấn luyện cho lực lượng không quân Ukraine với mục tiêu giúp họ khai thác tốt hơn các khí tài mà phương Tây đã cung cấp, bao gồm bom, tên lửa và bộ dẫn đường. Vừa qua, hai phi công Ukraine đã kết thúc một cuộc đánh giá tại căn cứ Lực lượng Phòng không Quốc gia ở Tucson, Arizona với các chuyến bay mô phỏng “không sử dụng máy bay Mỹ”.

Ngoài ra, các kỹ sư quân sự Mỹ cũng đang tìm cách trang bị tên lửa không đối không tầm trung (AMRAAM) tiên tiến trên những chiếc MiG-29 thời Liên Xô để nâng cao hỏa lực cho Kiev.

Trong vấn đề chiến lược tác chiến, hiện Mỹ vẫn để chính quyền Tổng thống Zelensky toàn quyền quyết định cách tiến hành cuộc chiến. Tuy nhiên, trước những lựa chọn chiến lược có phần không phù hợp của Kiev, Washington đã tỏ ý muốn có thêm những tư vấn chiến lược quân sự cho Ukraine.

Dù tồn tại một số bất đồng, hiện Mỹ vẫn dành cho Ukraine sự hậu thuẫn mạnh mẽ

Dù tồn tại một số bất đồng, hiện Mỹ vẫn dành cho Ukraine sự hậu thuẫn mạnh mẽ

Đầu tháng 3 vừa qua, các tướng lĩnh cấp cao của Mỹ và NATO đã tiếp đón các lãnh đạo quân đội Ukraine ở Wiesbaden, Đức để cùng nhau tập trận trên sa bàn - một động thái nhằm cố vấn quân sự cho Kiev trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia quân sự khuyến nghị Kiev hai lựa chọn: đẩy về phía Nam qua Kherson vào Crimea, hoặc di chuyển về phía Đông từ vị trí phía Bắc rồi xuống phía Nam, cắt đứt cầu nối đất liền của Nga. Giới chức Mỹ bác bỏ lựa chọn đầu tiên và cho rằng lựa chọn thứ 2 có nhiều khả năng hơn.

>> Chiến sự Nga - Ukraine: "Vết nứt" âm ỉ trong liên minh Mỹ- Ukraine

EU gấp rút tìm nguồn cung đạn dược

Trong khi đó, EU đang chuẩn bị hoàn tất một thỏa thuận trị giá 2 tỷ euro nhằm giải quyết vấn đề thiếu đạn của Ukraine. Chương trình sẽ cần sự đồng thuận của các nước để đi đến quyết định cuối cùng.

Theo đó, trước mắt EU sẽ chi 1 tỷ euro để hoàn trả một phần cho các quốc gia quyên góp ngay đạn dược có sẵn trong kho dự trữ của mình. Thứ hai, các quốc gia châu Âu sẽ phối hợp để cùng dùng 1 tỷ euro đàm phán cho các hợp đồng đạn dược mới.

Để đi đến giải pháp này, EU đang sử dụng ngân sách từ Quỹ Thúc đẩy Hòa bình Châu Âu (EPF) nằm ngoài ngân sách thông thường của EU. Điều này cho phép các quan chức linh hoạt sử dụng nó để chi trả cho việc mua vũ khí. Các quan chức châu Âu cũng đang thúc giục các bên cho phép Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) được cấp thêm tài chính cho lĩnh vực quốc phòng để tăng cường thêm năng lực sản xuất đạn dược của khối.

Với các nỗ lực không ngừng nghỉ như vậy, dễ hiểu tại sao Mỹ và phương Tây không hài lòng với mức độ tiêu hao khí tài tại chiến trường Bakhmut của Ukraine. Trong khi đó, can thiệp quá sâu vào cuộc chiến của Ukraine có thể đẩy Mỹ và đồng minh vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Đây sẽ là bài toán khó giải cho cả hai bên.