>>> Nam Định: Chủ động hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp

>>> Nam Định: Kết nối hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư

Từ đề án “khởi nghiệp”

Theo lãnh đạo Hôi Liên hiêp phụ nữ tỉnh Nam Định cho biết: Hội đã hướng dẫn Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các địa phương triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.

Từ năm 2020 đến nay, có 23 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới tại Nam Định được vinh danh (Ảnh: Internet)

Từ năm 2020 đến nay, có 23 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới tại Nam Định được vinh danh (Ảnh: Internet)

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Nam Định trong thời gian qua. Đặc biệt, các phụ nữ nông thôn có điều kiện khởi nghiệp, kinh doanh, phát triển sản xuất luôn được tạo điều kiện hỗ trợ.

Để tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp cho phụ nữ; đẩy mạnh phong trào phụ nữ tự giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với nhiều hình thức như: giúp đỡ ngày công lao động, cây, con giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất; duy trì và nhân rộng các mô hình "Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế"...

Từ năm 2020 đến nay, có 23 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới được vinh danh. Tiêu biểu như chị Phạm Thị Chiên, chủ cơ sở nuôi thủy sản và trồng cây dược liệu, xóm 10, xã Hải Châu (Hải Hậu), tạo việc làm cho 35 lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập từ 8,3-12,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Phạm Thị Định, xóm 13, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) là chủ cơ sở sản xuất miến dong sạch Bân Định có doanh thu đạt 350-450 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động nữ với thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Chị Vũ Thị Tính, thôn Hạ, xã Điền Xá (Nam Trực), chủ cơ sở trồng cây cảnh bonsai, tạo việc làm cho 50 lao động (trong đó có 40 lao động nữ) với thu nhập ổn định 2 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Thoa, xóm 22, xã Yên Đồng (Ý Yên), chủ cơ sở sản xuất mũ đay, mũ vải, doanh thu đạt 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 40 chị em phụ nữ, thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng…

>>> Nam Định: Phát triển kinh tế biển là động lực tăng trưởng kinh tế bền vững

>>> Khởi nghiệp thành công từ sản phẩm hữu cơ

Đặc biệt, nhằm tiếp thêm cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Nam Định tổ chức 2 lớp khởi sự kinh doanh cho 74 phụ nữ, tổ chức thành công Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2019. Hướng dẫn 2 hợp tác xã chăn nuôi và cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch Sơn Hải, xã Hải Sơn (Hải Hậu) và Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ sản phẩm nông nghiệp Bình Minh (Nghĩa Hưng) xây dựng ý tưởng sáng tạo tham gia Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương. Kết quả, cả 2 ý tưởng đã lọt vào vòng sơ khảo miền Bắc. 

Ngoài việc hỗ trợ phụ nữ thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh còn có nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến giới thiệu, bán sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp nữ.

Theo chị Nguyễn Thị Hà – Hải Hậu – Nam Định cho biết: So với đàn ông thì phụ nữ lập nghiệp còn nhiều vấn đề khó khăn như: Việc làm cho hội viên phụ nữ vẫn còn nhiều khó khăn. Một số mô hình phụ nữ khởi nghiệp của phụ nữ chưa bền vững, việc kết nối, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ khởi nghiệp cũng không đơn giản. Tỷ lệ phụ nữ nông thôn ở Nam Định phải rời bỏ làng quê, di cư ra đô thị tìm kiếm việc làm hoặc phải đi làm ăn xa vẫn không giảm, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

… đến việc thực tế

Đồng hành với hội viên trong phát triển kinh tế, các cấp Hội đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi”; chú trọng hỗ trợ các mô hình sinh kế, kết nối phụ nữ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, vận động chị em tham gia các mô hình kinh tế tập thể, quan tâm công tác dạy nghề... Từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN các cấp trong huyện đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ về chuyển giao KHKT trong sản xuất nông nghiệp, thu hút 7.835 chị dự nghe, trong đó riêng Hội Phụ nữ xã Hợp Hưng đã phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức 14 lớp tập huấn chuyển giao KHKT tại 14 chi hội, thu hút sự tham gia của 720 lượt người.

Hằng năm, có nhiều sản phẩm tiêu biểu của hội viên phụ nữ được trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng của tỉnh Nam Định (Ảnh: Internet)

Hằng năm, có nhiều sản phẩm tiêu biểu của hội viên phụ nữ được trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng của tỉnh Nam Định (Ảnh: Internet)

Hội LHPN huyện còn phối hợp với Phòng Nghiên cứu ứng dụng (Sở KH và CN) tổ chức 6 lớp tập huấn online với phần mềm zoom về “Kỹ thuật sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm” cho cán bộ, hội viên phụ nữ tại 18 xã, thị trấn, thu hút 300 hội viên phụ nữ tham dự.

Được biết, từ năm 2017 đến năm 2022, có 37 ý tưởng đăng ký tham gia "Ngày phụ nữ khởi nghiệp". Trong đó có 2 ý tưởng đạt giải trong cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Đó là ý tưởng của Hợp tác xã (HTX) Trồng cây dược liệu Hải Lộc và HTX Dược liệu ACT.

Hội LHPN Nam Định đã tuyên truyền sâu rộng, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia "Ngày phụ nữ khởi nghiệp". Hằng năm, có nhiều sản phẩm tiêu biểu của hội viên phụ nữ được trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng của tỉnh. Đến nay, có 11/67 sản phẩm OCOP do hội viên phụ nữ triển khai thành công tại địa phương. Tiêu biểu như: Nước mắm Tân Phú, Trà Tâm Thanh An, Trà dược liệu Hải Hậu, Bánh nhãn Tiến Vua, Bột sắn Anh Tiến…

Để khuyến khích, động viên phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN Nam Định duy trì hoạt động của CLB "Nữ chủ doanh nghiệp" với gần 300 thành viên, định kỳ sinh hoạt ít nhất 1 lần/năm để trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Các thành viên CLB vừa sản xuất kinh doanh giỏi, tạo việc làm ổn định cho lao động nữ, vừa góp phần tích cực trong hoạt động nhân đạo, từ thiện, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền, nâng cao kiến thức về khởi sự kinh doanh, tư vấn và kết nối, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm của phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, Hội LHPN còn hướng dẫn các nữ chủ doanh nghiệp và các ý tưởng tham gia hội thảo, các lớp tập huấn bằng hình thức trực tuyến do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Đồng thời, các cấp Hội trong huyện cũng tư vấn, hỗ trợ hội viên phụ nữ có nhu cầu được tiếp cận tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội, từ tổ chức tài chính vi mô TYM để phát triển kinh tế.

Dù đa dạng hoá hoạt động, song việc triển khai Đề án tại tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, đặc biệt là việc hỗ trợ kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm. Để việc thực hiện Đề án tiếp tục phát huy hiệu quả, Hội LHPN tỉnh cần có sự kết nối để hằng năm tạo cơ hội cho hội viên được tham gia tập huấn, được hướng dẫn xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, tìm kiếm nhà đầu tư, xây dựng thương hiệu.