Kỹ năng lao động có vai trò quan trọng, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nhất là trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ, số hóa, tự động hóa, toàn cầu hóa và đại dịch COVID-19.

Hậu COVID-19, thị trường lao động, việc làm có nhiều biến động.

Hậu COVID-19, thị trường lao động, việc làm có nhiều biến động.

Ổn định thị trường lao động

Hậu COVID-19, thị trường lao động, việc làm có nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động về phát triển kỹ năng lao động đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, đồng thời góp phần phục hồi, ổn định thị trường lao động cho mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.

Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đặc biệt, ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực; đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trên cơ sở có sự nhận thức đầy đủ hơn về kỹ năng lao động, công tác phát triển kỹ năng nghề, giáo dục nghề nghiệp, đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề được phối hợp, kết nối trên cơ sở kết nối khung trình độ quốc gia và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; từ đó, các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được sử dụng và phát huy giá trị sử dụng. Chuẩn đầu ra, các định mức kinh tế kỹ thuật, các chuẩn liên quan, chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp được định hướng kết nối với tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, với các bộ đề thi kỹ năng nghề thế giới, ASEAN, châu Á và thi Kỹ năng nghề quốc gia (đến nay có 79 nghề) tạo được sự kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng với ngành công nghiệp, doanh nghiệp và đặc biệt kết nối, nâng tầm kỹ năng với chuẩn khu vực, quốc tế và thế giới.

Số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy từ năm 2017 đến 2020, hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 2 triệu lượt người, vượt kế hoạch đề ra. Ước tuyển sinh 6 tháng năm 2021 đạt 645 nghìn người (đạt trên 27% kế hoạch). Sau khi ra trường, hơn 85% số người học nghề có việc làm, với thu nhập tốt. Tỷ lệ lao động có bằng hoặc chứng chỉ cũng tăng từ 22,2% năm 2018, lên 25% vào năm 2020. Những kết quả đạt được trong giáo dục nghề nghiệp đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 58,6% vào năm 2018, lên khoảng 65% vào năm 2020.

Tính đến quý II/2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,1 triệu người, tăng 44,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa có dịch, lực lượng lao động vẫn thấp hơn 304 nghìn người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 26,1%, cao hơn 0,1% so với quý trước và cao hơn 0,8% so với cùng kỳ năm trước...

Những con số trên cho thấy,Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, quy mô, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia gần 100 triệu dân, 55 triệu lao động đang trong giai đoạn "dân số vàng", nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Chú ý về quy mô, cơ cấu và chất lượng lao động

Đảng, Nhà nước ta đã xác định một trong những nội dung đột phá chiến lược là tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao; đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa, thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”, trong đó có nhấn mạnh lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

Một trong những nhiệm vụ của ngành trong 5 năm tới (2021- 2026) đó là chuyển đổi kỹ năng cho người lao động nhằm mục tiêu phát triển bao trùm bền vững với 3 trụ cột cơ bản là kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng và an sinh bền vững. Cụ thể, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70-75%, trong đó tỷ lệ có chứng chỉ, bằng cấp đạt 30% (hết nhiệm kỳ 2021-2025) tiến đến 40% vào năm 2030 - đây là tỷ lệ tương đương mặt bằng chung các nước phát triển.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục đổi mới, phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyển sinh gắn với nâng cao chất lượng đào tạo nghề; sắp xếp, tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước, của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Theo TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được chú trọng cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo, trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Hiệu quả của hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ được đo bằng tiêu chí "chấp nhận của thị trường lao động".

Bên cạnh đó, ngành chú trọng thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực tự chủ, hoạt động hiệu quả; tăng cường đầu tư các trường nghề chất lượng cao, tập trung đào tạo các nghề trọng điểm... Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ... thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN công nhận.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, phát triển kỹ năng lao động là quá trình được hình thành trong học tập, lao động và cuộc sống. Do vậy, thay vì tư duy đào tạo một lần để làm việc suốt đời, cần thay đổi chuyển từ đào tạo một lần sang học tập thường xuyên, học tập suốt đời để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Đào tạo, đào tạo lại để thích ứng với thế giới việc làm đang đổi thay là hết sức quan trọng. Mọi người lao động phải không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, liên tục sáng tạo để cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả lao động trong công việc.

Nâng tầm kỹ năng lao động, không phải là nhiệm vụ riêng của một ai, mà là của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nêu rõ.