Room tín dụng của một số ngân hàng năm 2021.

Room tín dụng của một số ngân hàng năm 2021.

Theo các chuyên gia, NHNN nên cho các ngân hàng "tự quyết" room tín dụng theo năng lực của mình và phù hợp với diễn biến thị trường.

Đồng loạt xin nới room

Nền kinh tế đang phục hồi tích cực đã thúc đẩy tín dụng tăng trưởng mạnh. Theo NHNN, tính đến ngày 27/5 tín dụng tăng 7,75%, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, không ít nhà băng đã xài gần hết room tín dụng. Chẳng hạn như Vietcombank có tăng trưởng tín dụng đạt hơn 9% trong 5 tháng đầu năm 2022, trong khi hạn mức tín dụng được phân bổ chỉ 15%. Điều đó có nghĩa dư địa tín dụng của nhà băng này những tháng cuối năm nay không còn nhiều.

Trong khi đó, cầu tín dụng được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao, nhất là khi gói hỗ trợ lãi suất sẽ kích thích thêm nhu cầu tín dụng. Đó là lý do tại sao nhiều ngân hàng đồng loạt xin được nới room tín dụng để có dư địa triển khai gói hỗ trợ lãi suất.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, nhu cầu vốn tín dụng hiện nay là rất lớn. Do đó, NHNN cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý; nếu không, sẽ rất khó cho ngân hàng.

>> Nới room tín dụng hay không?

Để nhà băng “tự quyết” room tín dụng

Dù các ngân hàng được nới room tín dụng, thì đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Do đó, theo nhiều chuyên gia, NHNN nên bỏ quy định về hạn mức tăng trưởng tín dụng, mà nên cho các ngân hàng tự quyết vấn đề này. Bởi vì, hiện thị trường tiền tệ đã khác xa thời gian trước khi mà “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện tích cực, hầu hết các nhà băng đều đã đáp ứng chuẩn Basel II, thậm chí Basel III.

“Nếu lo ngại lạm phát, NHNN có thể kiểm soát tín dụng qua chỉ số cung tiền M2. Còn để quản các nhà băng, NHNN cũng có khá nhiều công cụ mang tính thị trường khác như dự phòng thanh khoản, tỷ lệ cho vay trên huy động, hệ số an toàn vốn...”, một chuyên gia nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng, NHNN cần quản lý các ngân hàng bằng các chỉ số tài chính, thay vì công cụ hành chính là hạn mức tín dụng. "Đến nay, rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ giao chỉ tiêu tín dụng", ông Lực cho biết.

Theo Moody’s, việc NHNN kiểm soát chính sách tiền tệ thông qua hạn mức tín dụng cũng như trần lãi suất cho vay và tiền gửi đã khiến hiệu quả chính sách tiền tệ của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, việc bỏ room tín dụng cần được xem xét càng sớm càng tốt.