>>>Việt Nam có thể đạt tăng trưởng kinh tế như dự báo?

Tăng trưởng mạnh mẽ giữa những “cú sốc”

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã nhận định như vậy tại họp báo công bố báo cáo “Điểm lại - Giáo dục để tăng trưởng” do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức chiều nay (8/8).

Báo cáo được thực hiện vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang trải qua những cú sốc lớn như gián đoạn liên quan đến dịch bệnh Covid-19 và cú sốc về cung liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ucraine. Tuy nhiên, theo bà Carolyn Turk, nền kinh tế Việt Nam đến nay vẫn tương đối vững vàng và đang tăng tốc phục hồi nhờ khu vực chế tạo, chế biến đứng vững, các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, lạm phát tăng trung bình 3,8% trong năm nay.

Các chuyên gia, diễn giả tại buổi họp báo

Các chuyên gia, diễn giả tại buổi họp báo

Sự tăng trưởng này đang diễn ra trong bối cảnh các rủi ro gia tăng như những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, Covid-19 xuất hiện biến chủng mới. Ở trong nước, các doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng…

Báo cáo khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần chủ động ứng phó để giảm nhẹ rủi ro trên và nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn trong thời gian tới. Đó là tập trung triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu nhằm giúp người nghèo, người dễ tổn thương chống đỡ tác động của cú sốc giá nhiên liệu cũng như lạm phát gia tăng; theo dõi chặt chẽ, tăng cường công tác báo cáo, dự phòng nợ xấu…

Không lỡ nhịp tăng trưởng

Bên cạnh các giải pháp trên, về lâu dài, bà Carolyn Turk nhấn mạnh: để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục, là một phần quan trọng của các gói đầu tư và cải cách cần thiết.

Đây là nội dung quan trọng bởi Việt Nam cần có lực lượng lao động có kỹ năng để trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Nếu Việt Nam muốn chuyển đổi mô hình kinh tế để trở thành nền kinh tế số, phát triển năng động, có khả năng chống chịu, lấy tri thức và năng suất làm động lực thì cần có lực lượng lao động có kỹ năng để tiếp tục tăng trưởng.

Theo các chuyên gia của WB, đầu tư cho giáo dục đại học là chìa khoá để tăng trưởng bền vững

Theo các chuyên gia của WB, đầu tư cho giáo dục đại học là chìa khoá để tăng trưởng bền vững

Theo WB, hiện số liệu về giáo dục đại học và dạy nghề chưa được như đáng có. Trong khi đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự có chất lượng. Một khảo sát về doanh nghiệp và kỹ năng của WB thực hiện năm 2019 cho thấy, 73% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng lãnh đạo và quản lý, 68% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật theo vị trí việc làm cụ thể.

Do đó, đổi mới hệ thống giáo dục đại học Việt Nam là yêu cầu cấp bách, là chìa khoá để nâng cao năng suất lao động. Trong đó, các giải pháp cần thực hiện là cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục đại học, nâng cao chất lượng và sự phù hợp trong giảng dạy, nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực; mở rộng áp dụng công nghệ số, nâng cao vai trò của khu vực tư nhân, hài hoà hệ thống văn bản pháp quy. Về số lượng sinh viên, để đạt được tỷ lệ nhập học đại học bình quân tương đương ở các nền kinh tế thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần tuyển 3,8 triệu sinh viên vào các cơ sở giáo dục đại học, tăng gần gấp đôi so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019.