>> [TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa" 

fd

Phiên thảo luận Đối thoại với Di sản với chủ đề Di sản văn hoá và phát triển bền vững.

Nằm trong chuỗi hoạt động đặc sắc kỷ niệm: Ngày hội di sản văn hoá Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ Thuật Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và cộng đồng. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; còn nhân dân, trong đó có doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản.

fd

Nhà báo Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – TBT Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp điều phối phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận Đối thoại với Di sản với chủ đề Di sản văn hoá và phát triển bền vững, các vấn đề được đưa ra nhằm tháo gỡ các rào cản, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng, của doanh nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Phiên thảo luận với sự điều phối của Nhà báo Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – TBT Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cùng các diễn giả: GS sử học Lê Văn Lan; Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch); Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam - Chủ tịch CLB áo dài Việt Nam.

fd

GS sử học Lê Văn Lan

Chia sẻ tại Diễn đàn, GS sử học Lê Văn Lan cho rằng, bảo tồn và gìn giữ di sản văn hoá là vấn đề rất lớn và rất khó. Vị GS đã dẫn chứng một số câu chuyện cụ thể, từ đó gợi ra một vài suy nghĩ, quyết định về thái độ mà ở đây đối tượng là các doanh nghiệp doanh nhân. Về phía nhà nước, mới đây, Hà Nội vừa có một quyết định bỏ ra 4.000 tỷ đồng để cấp cứu cho 5.000 di tích, di sản, kiến trúc văn hóa, tâm linh.

Trong thế giới di sản, chúng ta vừa chứng kiến di sản văn hóa trang phục và cũng chỉ khuôn vào trong câu chuyện áo dài, nhưng trong đó còn lễ phục, thường phục, ăn mặc nơi công sở, nơi du lịch ăn chơi thì rất mênh mông. Hay sang lĩnh vực văn hóa ẩm thực, cũng chỉ nói về di sản, nào là phở, bánh mì, những chiếc bánh gói lá, những chiếc bánh bóc lá đi chỉ để hiện hình trần trụi, đông tây cũ mới... Còn văn hóa làng nghề văn hóa giáo dục cực kỳ lớn và rộng rãi, nên ở phương diện nhà nước hoàn toàn khác với phương diện doanh nhân doanh nghiệp và ở từng lĩnh vực di sản văn hóa thì cũng có sự khác nhau.

fd

Khách mời tham dự diễn đàn.

“Tôi xin kể câu chuyện về di sản văn hóa kiến trúc tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng mà Hà Nội vừa bỏ ra 4.000 tỷ đồng, chia đều cho các đối tượng thụ hưởng, mỗi đình mỗi chùa, mỗi nhà thờ họ, mộ địa,... được khoảng trên dưới 1 tỷ đồng, vì không biết phải cho như thế nào, cho ai và họ sẽ làm gì với số tiền đó. Cho nên việc chia đều này nghĩa là chúng ta bỏ một giọt nước vào trong cả đại dương thì không có tác dụng.

Các di tích văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh đang trông chờ rất nhiều ở việc Nhà nước xã hội hóa, còn ở đây, trên phương diện là các doanh nhân doanh nghiệp đối với việc bảo tồn gin giữ di sản văn hóa thì như thế nào? Có thể nói, vai trò của các doanh nhân doanh nghiệp cực kỳ quan trọng”, GS sử học Lê Văn Lan nhấn mạnh. 

Vị GS cũng nêu ví dụ cụ thể, đó là có một công trình văn hóa tín ngưỡng tâm linh do doanh nhân doanh nghiệp tự đứng ra, bỏ tiền làm, với ý thức gìn giữ bảo tồn văn hóa di sản và khuôn vào chuyện văn hóa tâm linh tín ngưỡng và văn hóa kiến trúc xây dựng. Đó là một ngôi chùa cực kỳ to lớn, đã nhân danh di sản của một nhà thờ họ cũ ở Ninh Bình.

Nhà thờ cũ đó thờ ngài Nguyễn Minh Không - nhân vật rất lớn ở thời nhà Lý. Đó vừa là tổ của nghề luyện kim, đúc đồng, vừa là dược sư, nhà làm thuốc, nhưng từ thời Lý đến nay, nơi thờ phụng của Nguyễn Minh Không trên chính vườn thuốc, nhà cũ của vị ấy thì hiện đang lùi vào vùng chân núi, hang động nghèo khó, xuống cấp, dột nát.

fd

Vai trò của doanh nhân doanh nghiệp trong việc bảo tồn gin giữ văn hóa là rất lớn. 

“Hiện tại, nhân danh nơi thờ phụng Nguyễn Minh Không, một doanh nhân đã bỏ vốn ra giúp vào việc gìn giữ bảo tồn văn hóa, là xây một đại công trình kiến trúc mới trị giá vài nghìn tỷ đồng. Đối với công trình này đang có vô cùng nhiều dư luận trái chiều. Tôi cho rằng, những người làm văn hóa đang kêu gọi các doanh nhân doanh nghiệp bỏ tiền, bỏ của bỏ trí tuệ để giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa thì nên lắng nghe. Bên cạnh những dư luận trái chiều còn có cả hành động, thậm chí có cả những người cầm cân nảy mực, có nhiều công trình nghiên cứu cũng đại diện cho lớp tiêu biểu của giới trí thức bày tỏ quan điểm rằng, họ chưa bao giờ đến chỗ đó và sẽ không bao giờ đến đó. Họ cho rằng đó không phải là dân tộc, không phải là Việt Nam, không phải là văn hóa tôn giáo tín ngưỡng tâm linh chân chính. Đó là nơi quảng cáo, kinh doanh, giới thiệu gia đình vợ con của doanh nhân đó...

Hay mới đây, tôi được mời về dự lễ khánh thành một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh khác ở Nam Định. Có một doanh ngiệp cũng rất lớn, bỏ số tiền hàng trăm tỷ đồng vào việc giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa từ một ngôi chùa cũ rất linh thiêng, nhiều giá trị. Đây là nơi Huyền Trân công chúa thời nhà Trần, sau khi nghe lệnh cha Trần Nhân Tông và anh Trần Anh Tông sang Chiêm Thành làm Hoàng hậu của vua chiêm Thành, sau đó trở về thì vướng nhiều oan khiên. Chính đây là nơi Huyền Trân công chúa về tu hành và để lại nhiều sự nghiệp công đức, thể hiện là một ngôi chùa cũ, hẻo lánh, thâm nghiêm, trang nhã ở bên sườn một ngọn núi cổ, nổi lên ở giữa đồng bằng Nam định rất đẹp.

Nhưng một doanh nghiệp doanh nhân bỏ ra số tiền hàng trăm tỷ đồng đó làm lại ngôi chùa này mà cuối cùng ngôi chùa nơi công chúa Huyền Trân tu hành đã biến mất, thay vào đó hiện ra một loạt những lầu gác, đền đài, trụ sở, phòng họp vô cùng khang trang. Đây không phải là việc bảo tồn gìn giữ văn hóa”, PGS Lê Văn Lan chia sẻ.

fd

Tiết mục trình diễn áo dài cổ phục Việt trong lễ khai mạc Ngày hội di sản văn hoá Việt Nam sáng nay.

Từ một vài ví dụ cho thấy, GS Lê Văn Lan cho rằng, vai trò của doanh nhân doanh nghiệp trong việc bảo tồn gin giữ văn hóa là rất lớn, đồng thời ở các nơi đều có nhu cầu lớn. Nhờ sự giúp đỡ, tài trợ bằng tiền của các doanh nghiệp để làm lại thì đang có vấn đề. Đó là sự hiểu biết về các giá trị văn hóa đích thực và truyền thống của di sản đối với những người đứng ra để bảo tồn gìn giữ.

Cùng với đó là tâm lý ý thức của việc bảo tồn gìn giữ. Mục đích thực hiện phải chăng là để gìn giữ giá trị đích thực của văn hóa truyền thống, của tổ tiên ông cha, của dân tộc; hay đang làm theo tâm lý riêng, cá nhân, thậm chí là vụ lợi từ việc làm du lịch, biến chỗ di tích thành đền đài kiến trúc khang trang, nhưng làm du lịch thu lời.

fd

TS Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch Việt Nam.

TS Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch Việt Nam cho hay, với du lịch, văn hóa là nền tảng để phát triển, Việt Nam với tài nguyên văn hóa phong phú qua ngàn đời, di sản văn hóa không chỉ là di sản đơn thuần mà là nguồn lực để phát triển du lịch.

Ông Tuấn cho biết, ở những giai đoạn trước, việc bảo tồn du lịch thường tập trung vào vị bảo tồn, nhưng ở thời điểm hiện tại, bảo tồn vị nhân sinh đang được phát huy. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn trên nguồn tài nguyên văn hóa có sẵn.

Song, ông Tuấn cũng quan ngại, trong quá trình đó, nhiều đơn vị chưa chú trọng giá trị bảo tồn mà chỉ mới đang khai thác kinh tế. Một số doanh nghiệp đầu tư phát triển nhưng không chú trọng đến việc bảo tồn, một số khác nôn nóng khai thác lợi nhuận, xây dựng công trình làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến di sản.

Hay một số công trình sử dụng nguồn lực của nhà nước, việc đầu tư nhưng không đặt ra kế hoạch khai thác như thế nào gây lãng phí nguồn lực.

TS Nguyễn Anh Tuấn đưa ra thông điệp về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Việt Nam: “Chúng ta phải có trách nhiệm trong quá trình khai thác để phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp thể hiện được vai trò của mình trong quá trình khai thác đồng hành với bảo tồn cho thế hệ tương lai để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững” – ông Tuấn nói.

fd

Nghệ nhân Đỗ Trịnh Hoài Nam.

Cũng tại Diễn đàn, nghệ nhân Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng chia sẻ câu chuyện thiết kế những chiếc áo dài cho các chính khách, lãnh đạo và cả những doanh nhân, ông luôn đưa câu chuyện về văn hóa, họa tiết đặc trưng của đất nước để có thể truyền tải những câu chuyện về văn hóa Việt Nam.

Ông Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết, việc sử dụng văn hóa truyền thống để gắn kết, mở đầu cho những câu chuyện đã thúc đẩy cho những cuộc đối ngoại, làm việc được tốt đẹp hơn.

Trăn trở về phát huy truyền thống và truyền tải văn hóa Việt, giới thiệu đến quốc tế, ông Nam hi vọng rằng cộng đồng doanh nhân cùng nhau xây dựng, đóng góp trong việc lan tỏa những hình ảnh đẹp của áo dài Việt Nam, đưa vào đó những hình ảnh về văn hóa Việt để giao lưu văn hóa.