>>>Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN, KKT: Cơ hội và thách thức

Tại Diễn đàn Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN, KKT do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 26/8, các nhà đầu tư hạ tầng KCN và các diễn giả đều cho rằng, vấn đề phân kỳ đầu tư đang làm khó các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện, xin chủ trương đầu tư KCN.

ông Trần Anh Vương - Tổng Giám đốc Western Pacific chia sẻ về vấn đề phân kỳ đầu tư trong Nghị định 35/2022/NĐ-CP

Ông Trần Anh Vương - Tổng Giám đốc Western Pacific chia sẻ về vấn đề phân kỳ đầu tư trong Nghị định 35/2022/NĐ-CP

Theo ông Trần Anh Vương - Tổng Giám đốc Western Pacific, vấn đề phân kỳ đầu tư là một trong những vấn đề rất lớn. Các nhà đầu tư đang trong quá trình, trình xin chủ trương đầu tư đều gặp phải và rất bối rối.

Ông Vương chia sẻ, ở trong Nghị định 35 có quy định về 2 vấn đề phân kỳ đầu tư, đó là diện tích của KCN trên 500ha và phân kỳ sử dụng đất lúa. Với KCN có trên 500ha là rất lớn, là trường hợp đặc biệt, rất hiếm. Phân kỳ đầu tư chúng tôi muốn nói đến là phân kỳ sử dụng đất lúa. Nghị định quy định rất rõ, đối với Đồng bằng sông Hồng là 200ha đất lúa, miền núi là 100ha đất lúa buộc phải phân kỳ đầu tư.

Qua quá trình thực hiện và tổng kết, chúng tôi rút ra rằng diện tích để làm 1 KCN tương đối hiệu quả rơi vào khoảng 250ha. Nếu 250ha nhưng có 201ha đất lúa thì phải phân kỳ đầu tư thành 2 kỳ. Đặc biệt, khoản 4 Điều 8 Nghị định này quy định rõ, phân kỳ ở đây không đơn giản chỉ chủ đầu tư phân kỳ trong dự án của mình. Mà phân kỳ đầu tư phải phân kỳ cả quá trình xin từ chủ trương đầu tư cho đến chấp thuận nhà đầu tư cho đến phân kỳ đầu tư thật trên thực địa.

Theo ông Vương, chúng ta làm một KCN 250ha, khi đi xin chủ trương đầu tư chúng ta sẽ phải tách đôi, làm 2 lần chủ trương đầu tư, 2 lần lựa chọn nhà đầu tư, trên thực địa thì 2 lần san lấp, 2 lần giải phóng mặt bằng, 2 lần làm ĐTM, 2 lần xây dựng trạm xử lý nước thải… không khéo sẽ làm cho tính tích cực trở thành tiêu cực. Bởi nếu phân kỳ như vậy, tính khớp nối giữa 2 kỳ sẽ rất khó. Ngay cả một chủ đầu tư cũng sẽ rất khó. Bên cạnh đó, trong Nghị định còn quy định rõ, trường hợp phân kỳ 2 mà phân kỳ 1 chưa lấp đầy chưa đạt 60% hoặc hạ tầng chưa xây dựng đủ thì thậm chí còn là một nhà đầu tư khác. Như vậy, đây là vấn đề khó khăn nhất đối với các chủ đầu tư và là điểm bất cập nhất trong Nghị định.

"Tất nhiên, đây là giai đoạn đầu nên tôi rất kỳ vọng có đại diện của Bộ KHĐT hay cơ quan Chính phủ, tiếp thu ý kiến, có thể đưa ra thông tư hướng dẫn cho phù hợp. Chứ nếu để như thế này, chúng tôi sẽ rất bối rối. Trong thời điểm này mà đi trình thủ tục đầu tư KCN thì chủ đầu tư sẽ rất bối rối" – ông Vương nhấn mạnh.

>>Nghị định 35/2022 về quản lý khu công nghiệp - Bài 2: Gỡ nút thắt nhà ở công nhân

Lý giải thêm về phân kỳ đầu tư, ông Vương cho rằng, tính tiến bộ của Nghị định 35 là quy hoạch. Thực tế Luật quy hoạch đã được kích hoạt. Hiện quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng đang được triển khai, một số ít tỉnh đã được thông qua. Điều kiện chuyển tiếp của Nghị định 35 cho phép chúng ta làm theo quy hoạch cũ, nếu quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa có. Nhưng vấn đề ở đây là phương án phát triển KCN của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xong thì sẽ thực hiện như thế nào theo phân kỳ của Nghị định 35.

"Giả sử KCN A, KCN B có diện tích 200ha, 250ha… mà nhà đầu tư đi xin chủ trương đầu tư, sau đó lại tách ra làm đôi, chúng tôi đang phân vân không biết, nếu tách ra làm đôi chúng ta sẽ gọi KCN đó là gì. Nếu xét về mặt lý, mặt luật, theo tôi hiểu thậm chí còn sai. Bởi Thủ tướng cho phép KCN A này 250ha, chứ Thủ tướng không cho phép KCN A này là 125ha", ông Vương phân tích.

Ông Trần Đình Hạnh, Phó Cục trưởng Cục knh tế và phát triển Quỹ đất, Tổng cục quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ông Trần Đình Hạnh, Phó Cục trưởng Cục knh tế và phát triển Quỹ đất, Tổng cục quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Cũng liên quan đến vấn đề chuyển đổi đất lúa, đất rừng phòng hộ… để triển khai KCN, ông Trần Đình Hạnh - Phó Cục trưởng Cục kinh tế và phát triển Quỹ đất, Tổng cục quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay, trong lĩnh vực thẩm quyền chuyển đổi đất lâm nghiệp, đất rừng (đặc dụng, phòng hộ..) sang mục đích khác để thực hiện dự án phải trình Chính phủ chấp thuận phê duyệt, sau đó UBND tỉnh mới được quyết định.

Đến nay, trong Luật Đất đai và theo Chỉ đạo Chính phủ sửa đổi phân cấp xuống UBND và HĐND các tỉnh phê duyệt để bảo đảm rút ngắn thủ tục chuyển đổi. Nhưng theo quy định đảm bảo an ninh lương thực của Quốc hội và Chính phủ, bất kể chuyển đổi đất lúa phải đảm bảo duy trì tổng diện tích bảo đảm an ninh lương thực. 

Tổng diện tích này trên toàn quốc sẽ chia ra các tỉnh với các mức khác nhau. Trong khi đó, trên thực tế tất cả các dự án KCN phần lớn ít khi sử dụng đất đô thị, đất khu dân cư mà chủ yếu sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất rừng, đất lúa. Điều này sẽ gây khó cho các chủ đầu tư.