>>Quảng cáo theo thời tiết

Quảng cáo “Chuyện người đi xây” của Coteccons đang tạo được dấu ấn lớn

Quảng cáo “Chuyện người đi xây” của Coteccons đang tạo được dấu ấn lớn

Video quảng cáo Tết 2023 của Coteccons được ví von là hit ngành xây dựng bất chấp việc chẳng có ca sĩ nổi tiếng, nhạc Tết hay ho hoặc lời rap gây nghiện. Đổi lại, thành công của video đến từ các câu thoại đời thực của hàng chục ngàn diễn viên “người thật việc thật”.

Đúng với tựa đề “Chuyện người đi xây”, video của Coteccons ghi lại câu chuyện của 12.000 công nhân xây dựng vẫn đang làm việc trên công trường, mưu sinh nhằm kiếm thêm tiền cho gia đình trong dịp Tết. Ngoài những góc quay đặc tả đôi bàn tay của người thợ xây, video còn tràn ngập những tiếng lòng, lời thoại, lời chia sẻ của những công nhân trên công trường.

Theo chia sẻ từ Coteccons, trong tình cảnh thị trường hiện nay, khi nhiều bên hướng về những tổn thất mà doanh nghiệp đang hứng chịu, thì Coteccons muốn nhắc đến những người công nhân xây dựng, lan tỏa thông điệp kêu gọi toàn xã hội quan tâm hơn đến lực lượng này.

Video này là một phần trong dự án Xây Tết của Coteccons diễn ra từ 04.01 đến 16.01, tận tay tặng 12.000 phần quà cho người công nhân xây dựng trên khắp 60 công trường ở TP.HCM, Quảng Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cao, Đồng Nai, v.v..

Sự chân thật từ video và hướng đi mới lạ của một ngành đặc thù khô khan như xây dựng đã giúp video của Coteccons nhận được rất nhiều sự đồng cảm và chia sẻ từ người xem.

Trên thế giới, ý tưởng dùng chính nhân viên, công nhân, người dùng của mình đi đóng quảng cáo đã được thực hiện từ rất lâu.

Nổi tiếng bậc nhất có thể kể đến chuỗi chiến dịch Real Beauty (Vẻ đẹp đích thực) của Dove. Thông thường đối với những sản phẩm chăm sóc cá nhân như Dove, thì các thương hiệu sẽ chọn những diễn viên, người mẫu với hình thể đẹp để xuất hiện trong những video, poster quảng cáo.

Nổi tiếng bậc nhất có thể kể đến chuỗi chiến dịch Real Beauty của Dove.

Nổi tiếng bậc nhất có thể kể đến chuỗi chiến dịch Real Beauty của Dove.

 >>Có gì đằng sau quảng cáo mới nhất của McDonald's?

Tuy nhiên Dove đã tạo ra một cách tiếp cận khác khi cho ra đời chuỗi chiến dịch toàn cầu Real Beauty vào năm 2004. Họ tung ra hàng loạt quảng cáo ngoài trời tại nhiều quốc gia như Canada, Anh, Mỹ mà không sử dụng người mẫu chuyên nghiệp, thay vào đó chụp những người phụ nữ bình thường ở mọi hình dạng và kích cỡ. Đây chính là mở đầu cho hướng đi tôn vinh giá trị của vẻ đẹp đích thực ở người phụ nữ, giúp họ tự tin hơn vào vẻ ngoài của mình.

Từ đó đến nay, Dove liên tiếp cho ra đời nhiều quảng cáo phục vụ thông điệp Real Beauty của mình. Trên website, Dove nhấn mạnh sẽ luôn tôn vinh nét đẹp chân thực của người phụ nữ bằng cách không sử dụng người mẫu chuyên nghiệp mà sẽ dùng người thường. Và người tham gia chiến dịch quảng cáo cũng sẽ được giới thiệu bằng chính tên tuổi thật của họ.

Một ví dụ điển hình khác của việc dùng người thật việc thật để quảng cáo là ứng dụng hẹn hò - kết bạn Bumble. Năm 2018, công ty này khởi động một chiến dịch có tên là Find Them On Bumble (Tìm họ trên Bumble).

Theo đó, công ty chọn ra 112 người mà họ nhận định là “người dùng truyền cảm hứng nhất” trên Bumble. Sau đó họ triển khai các bảng quảng cáo ở Quảng trường Thời Đại, poster ở các ga tàu điện ngầm và chạy quảng cáo trên New York Post với hình ảnh của 112 người dùng này. Và tình cờ là một số người xuất hiện trong quảng cáo cũng là người mẫu hoặc diễn viên.

Người trong giới nhận định rằng những người được chọn này đúng thật là người dùng của Bumble. Nhưng thương hiệu này cũng rất “khéo” khi đưa ra những gương mặt tiêu biểu nhất, sáng sủa nhất. Tuy nhiên dù sao đi nữa đây vẫn là một chiến dịch người thật việc thật thành công của Bumble.

Nếu ở thế giới, kiểu quảng cáo này đã khá phổ biến, thì ở Việt Nam, đây là một loại hình mới mẻ, khiến người xem cảm nhận được sự chân thật. Do đó thành công của Coteccons là một điều khá dễ hiểu.

Tuy nhiên trên thế giới, chiều hướng phát triển của thể loại này đang có dấu hiệu bị nhàm. Nói như vậy bởi vì có những bên chuyên đi thuê công nhân thật để quay quảng cáo. Chẳng hạn đầu năm 2022, trên website StarNow có một bài đăng tuyển công nhân thật đi đóng TVC, với mức lương lên đến 1.700 bảng mỗi người. Việc thuê, trả tiền kiểu này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến độ chân thật của một kiểu quảng cáo vốn đề cao độ thật này.