Raytheon, một trong những tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới ở Mỹ

Raytheon, một trong những tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới ở Mỹ

>> NATO- Nga đối đầu, mối nguy nào cho thế giới?

Song song với mối đe dọa từ chiến sự Nga - Ukraine, dường như các quốc gia thuộc châu Âu đã lãng quên mối nguy khác - chạy đua vũ trang được che đậy dưới vỏ bọc phòng ngừa chiến tranh từ xa. Lịch sử nhân loại cho thấy, việc các quốc gia dư thừa vũ khí chưa khi nào là tín hiệu tốt lành với hòa bình thế giới.

Ba Lan là một trong những quốc gia sốt sắng nhất thúc giục châu Âu và Mỹ hành động quyết liệt với Nga, mới đây quốc gia này thông báo tăng chi tiêu quốc phòng lên 4% GDP trong năm nay, từ mức 2,4% của năm 2022.

Cho dù đối mặt với khủng hoảng kinh tế nhưng Ba Lan vẫn chi tới 1,4 tỷ USD mua một cơ số xe tăng Abrams từ Mỹ, đây là lần thứ hai trong thời gian ngắn Chính phủ ông Andrej Duda quyết tâm gia cố lực lượng quân sự.

Một trong những hành động đầu tiên của ông Olaf Scholz trên cương vị tân Thủ tướng Đức là cam kết nguồn tiền 115 tỷ USD hiện đại hóa quân đội và khẳng định sẽ nâng chi tiêu quốc phòng lên theo đúng cam kết với NATO. Trong đó có thương vụ mua hẳn phi đội F-35 từ Mỹ trị giá 8,4 tỷ USD.

Sự xoay trục về chính sách quốc phòng của Đức - quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất ở “lục địa già”, kéo những ảnh hưởng sâu sắc về lâu dài. Khi thông báo tăng chi tiêu quốc phòng, Thủ tướng Đức Scholz đã gọi chiến dịch của Nga ở Ukraine là “một bước ngoặt trong lịch sử lục địa của chúng ta”.

Chỉ vài ngày sau khi Nga nổ súng tấn công Ukraine, nữ Thủ tướng Thụy Điển, Magdalena Andersson vạch ra kế hoạch tăng cường khả năng quân sự vì “mức độ đe dọa chung” đã tăng lên.

Phần Lan đã từ bỏ vị thế trung lập, rốt ráo gia nhập NATO và không do dự bỏ ra 1,24 tỷ USD mua vũ khí Mỹ, một trong những hợp đồng vũ khí lớn nhất trong lịch sử nước này.

Trước đó, Washington yêu cầu thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP nhưng vấp phải sự phản đối đồng loạt, thậm chí Tổng thống Trump lúc đó ca thán “nước Mỹ bị lợi dụng”. Như vậy có thể thấy rằng, biến cố ở Đông Âu làm phát sinh màn vũ trang toàn diện và rất tốn kém.

>> Nga đã chọn kịch bản kết thúc chiến sự Nga - Ukraine?

Một quan chức ở Đông Âu nói rằng: “Mọi quốc gia đều đang cố gắng hoàn thành các thương vụ mua vũ khí nhanh nhất có thể”. Không ai khác ngoài Mỹ đóng vai trò nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, doanh số từ các thành viên NATO năm 2022 tăng gấp đôi so với năm 2021, khoảng 31 tỷ USD.

Xe tăng Mỹ rất đắt hàng ở châu Âu (Ảnh: Reuters)

Xe tăng Mỹ rất đắt hàng ở châu Âu (Ảnh: Reuters)

Xem chừng các tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ vẫn ăn nên làm ra nhờ các cuộc chiến tranh. Kể từ chiến tranh thế giới thứ II, đến xung đột vùng Vịnh, dự án chống khủng bố sau sự kiện 11/9/2001 và bây giờ là chiến sự Nga - Ukraine,…đều chứng kiến các cuộc chạy đua vũ trang dưới rất nhiều lý do.

Vũ khí Nga và vũ khí Mỹ từng là đề tài tranh luận không có hồi kết, hai hệ thống, hai “triết lý về sự hủy diệt” đã so tài ở rất nhiều cuộc chiến. Song, chiến trường Ukraine đã mang lại lợi thế tuyệt đối cho Mỹ.

Thực tế phũ phàng, nhưng đây là một trong những lý do rất quan trọng mà Mỹ luôn “có mặt” ở tất thảy các cuộc chiến tranh, không ở vị trí chủ chiến cũng là tư cách trọng tài, không những tài trợ bí mật mà còn công khai hậu thuẫn.

Vũ khí hiện đại và vũ trang mạnh mẽ làm thay đổi cấu trúc an ninh châu Âu - đó là nền an ninh bị đặt vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, nghi kỵ, ngờ vực lẫn nhau. Chỉ cần mồi lửa nhỏ cũng có thể dẫn đến hành động mất kiểm soát.