>> Bất ổn kinh tế toàn cầu (Kỳ II): Nguy cơ suy thoái kinh tế

Việc xảy ra xung đột Nga - Ukraine đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá dầu trên thế giới tăng nhanh chóng, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến cuối tháng 6/2022, giá dầu đã tăng khoảng 70-80%. Cùng với đó, nhiều loại nguyên vật liệu như sắt, thép, xi măng, phân bón, thuốc trừ sâu, lương thực thực phẩm đều tăng giá.

Khi các nền kinh tế tăng lãi suất thì sức ép lên tỷ giá VND rất lớn

Khi các nền kinh tế tăng lãi suất thì sức ép lên tỷ giá USD/VND rất lớn

Tất cả những điều trên đã đẩy lạm phát của thế giới trở nên trầm trọng hơn so với suy đoán của tất cả các tổ chức quốc tế, cũng như các nhà kinh tế. Do đó, tăng trưởng sản xuất bị chậm lại, kết hợp với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần nâng lãi suất với 3 lần liên tiếp gần đây nâng lãi suất ở mức rất cao là 0,75 điểm phần trăm, tạo đà cho đồng đô la Mỹ tăng phi mã.

Khi đồng đô la Mỹ mạnh lên, lãi suất cao thì chi phí sản xuất kinh doanh của Mỹ nói riêng và của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung đều tăng cao, kéo theo sản xuất kinh doanh thu hẹp lại. Điểm quan trọng là hầu hết các quốc gia phát triển đều tiêu dùng thông qua tín dụng rất lớn, nên lãi suất tăng sẽ khiến chi tiêu thu hẹp, việc sản xuất hàng hóa bán ra gặp khó khăn. Từ đó dẫn đến tình trạng giảm sút tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát giảm không như mong muốn và có thể giảm phát trong năm 2023, nền kinh tế thế giới sẽ có bước lùi rất sâu không chỉ trong năm 2023 tới mà một vài năm tiếp theo đó.

Về mặt lý thuyết, mức lạm phát cao như hiện nay sẽ bào mòn tất cả thu nhập, doanh thu của toàn bộ nền kinh tế, chính vì thế, việc ưu tiên chống lạm phát đang trở thành  bài toán mà hầu hết ngân hàng trung ương các quốc gia trên thế giới đều phải đặt lên bàn cân và coi đó là biện pháp hàng đầu.

Trong đợt tăng lãi suất gần đây nhất của Fed, Chủ tịch Jerome Powell đã phát biểu rằng: “Suy thoái là cái giá đau đớn nhưng cần thiết để chống lạm phát”. Thực tế, việc nâng lãi suất không phải là lời giải duy nhất, nhưng với các quốc gia phát triển như Mỹ, thì đây là một trong những biện pháp cơ bản để làm cho cầu về vốn giảm đi. Ngoài ra vẫn có những cách thức khác nhau mà Fed hay ngân hàng trung ương các nước có thể tung ra để rút bớt lượng tiền tệ đang có trong nền kinh tế về, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng sản xuất cao hơn, góp phần giảm áp lực lạm phát. Nhưng thường thường điều đó không đi cùng nhaum vì vậy họ đành phải chọn cách nâng lãi suất cao cùng với việc hút bớt tiền về và chịu chấp nhận rủi ro trì trệ, giảm tốc tăng trưởng.

>> Nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ

Đối với Việt Nam, khi các nước tăng lãi suất thì một vấn đề chúng ta thấy rất rõ là sức ép về tỷ giá lên VND rất lớn. Tuy nhiên, Chính phủ và Quốc hội đã đề ra chính sách “ổn định kinh tế vĩ mô, lấy bất biến ứng vạn biến”. Trong điều kiện nền kinh tế thế giới xáo trộn, chúng ta đã cố gắng giữ ổn định giá trị đồng VND so với đồng đô la Mỹ. Cụ thể trong 9 tháng qua, đồng tiền của Việt Nam chỉ mất giá khoảng 4% so với đồng đô la Mỹ và lên giá khoảng 23% so với đồng yên Nhật, 20% so với đồng bảng Anh, khoảng 18% so với đồng Euro, cũng lên giá khoảng 5% so với đồng Nhân dân tệ và khoảng hơn 8% so với đồng baht Thái Lan...

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính

Nhiều ý kiến lo lắng, khi chúng ta giữ ổn định tiền tệ thì có thể ảnh hưởng đến cán cân xuất nhập khẩu cũng như tăng trưởng và phát triển sản xuất; nhưng rõ ràng với chính sách điều hành của Nhà nước kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, Việt Nam đã giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế. Hơn nữa, lạm phát trong 9 tháng qua cũng rất thấp, chỉ ở mức 2,73% - một mức lạm phát thấp, được Quỹ tiền tệ Quốc tế coi là an toàn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đẩy mạnh xuất nhập khẩu, với mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 17,3% trong 9 tháng vừa qua và thặng dư 6 tỷ đô la Mỹ.

Riêng với chính sách tài khóa, các chính sách được triển khai như giảm thuế VAT, 39 loại thuế phí, cũng như giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu xăng dầu để từ đó giúp các chi phí trong nền kinh tế giảm đi, đồng thời giữ lượng tiền tung ra thị trường không quá lớn. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói, điều hành kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay phải rất linh hoạt, phù hợp và tế nhị, để việc điều hành như một nghệ thuật chứ không chỉ đơn thuần là về mặt công cụ.

Như vậy, trong năm 2022, Việt Nam có thể đạt được kết quả tăng trưởng cao với mức lạm phát trong phạm vi Quốc hội, Chính phủ đề ra và trong năm 2023, vẫn theo phương hướng đó để giúp cho nền kinh tế có thể ổn định, tăng trưởng trong điều kiện thế giới đang biến động khó lường.