Cổ phiếu HAG bị nhà đầu tư bán tháo dẫn đến giảm điểm mạnh.

Cổ phiếu HAG bị nhà đầu tư bán tháo dẫn đến giảm điểm mạnh. Ảnh: Tradingview.

Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 14/2, cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã nằm sàn ngay từ những phút đầu phiên. Áp lực bán mạnh khiến thị giá cổ phiếu không thể bứt phá trở lại khiến cuối phiên, cổ phiếu HAG đã giảm 6,85% về 11.550 đồng/cổ phiếu. “Chia sẻ” chung số phận, cổ phiếu cùng họ là HNG cũng giảm 6,41% về mức 8.900 đồng/cổ phiếu.

Việc giảm giá này dẫn đến việc thua lỗ của nhà đầu tư đang nắm giữ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của các cổ đông.

Nguyên nhân dẫn đến áp lực bán mạnh của nhà đầu tư đối với cổ phiếu HAG xuất phát từ nguy cơ phải hủy niêm yết, theo Nghị định 155 do Chính phủ ban hành, cụ thể HAGL thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc do làm ăn thua lỗ trong 3 năm liên tục từ 2017 đến 2019.

Có được sự đồng thuận của cổ đông, mới đây phía HAGL đã chủ động kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì niêm yết HAG trên HoSE. Doanh nghiệp cũng xin kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HoSE.

Đáng chú ý, trong năm 2021, HAGL đạt doanh thu 2.108 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty của bầu Đức lại có lãi 127 tỷ đồng trong khi năm 2020 lỗ nặng gần 2.400 tỷ đồng. Nhưng khoản lãi này cũng không đủ bù đắp cho chuỗi thua lỗ trước đó, đến nay lũy kế khoản nợ của HAGL đã lên hơn 4.400 tỷ đồng.

[DOANH NGHIỆP VƯỢT KHỦNG HOẢNG] HAGL đang được Thaco "tiếp sức" như thế nào?

Tuy nhiên, không phải HAGL không có điểm sáng, với báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 công bố hồi cuối tháng 1, dư nợ vay ngân hàng hiện tại của Hoàng Anh Gia Lai dù đã giảm mạnh so với trước nhưng vẫn còn rất cao, lên tới gần 8.300 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm gần 2.500 tỷ đồng, còn lại gần 5.800 tỷ đồng là vay dài hạn.

Sau khi tiết giảm các loại chi phí kết quả kinh doanh của HAG đã khả quan trở lại.

Sau khi tiết giảm các loại chi phí kết quả kinh doanh của HAG đã khả quan trở lại.

Bên cạnh đó, nhờ tiết giảm các loại chi phí, đặc biệt là cắt giảm đáng kể nợ nần, lợi nhuận ròng HAGL đạt hơn 142 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm, lợi nhuận ròng tương ứng vào mức 184 tỷ đồng - đánh dấu năm đầu HAGL có lãi kinh doanh trở lại sau thời gian tái cấu trúc quyết liệt và quyết định buông bỏ HAGL Agrico (HNG). Riêng trong đầu năm 2022, HAG đang liên tục bán ra cổ phiếu HNG với cùng mục đích là ngân hàng thu nợ, từ ngày 17/1-10/2/2022 hoàn tất bán ra 48,1 triệu cổ phiếu; ngay sau đó là tiếp tục đăng ký bán ra 25,4 triệu cổ phiếu HNG, dự kiến từ 15/02 đến 16/03/2022.

Năm 2022, HAGL vẫn tham vọng lãi hơn 1.000 tỷ đồng - tức chính thức quay lại thời kỳ hoàng kim 10 năm trước. Công ty cũng đề mục tiêu trả hết nợ ngân hàng, cân đối tài chính và chấp nhận những phương án kinh doanh hiệu quả nếu có thể giúp xoá sạch lỗ luỹ kế trong vài năm tới.

Cụ thể, HAG đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng; xử lý phần lớn các khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản.

Đồng thời doanh nghiệp cũng xử lý các khoản phải thu tồn đọng nhiều năm như công nợ phải thu công ty An Phú. Các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1.

HAG còn có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ kinh doanh để trả nợ, cải thiện tình hình tài chính.

Ban lãnh đạo HAGL đề xuất cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cho công ty áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết.

Tuy nhiên, liệu có nên ưu ái cho riêng HAGL hay không? Hiện tồn tại hai luồng ý kiến cho rằng không nên đặc cách và một bên đồng ý cho HAGL được hưởng thử thách.

Với luồng ý kiến đồng ý, họ có quan điểm cần nhìn vào điểm sáng trong việc tái cơ cấu, kinh doanh hiệu quả trở lại của HAGL trong hai năm gần đây, thay vì giai đoạn 2017-2019. Và với việc các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1 đồng nghĩa là có khả năng tài chính để thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn. Và quan trọng hơn, nếu HAGL được chấp thuận thử thách thì điều này sẽ giúp bảo vệ lợi ích cho cổ đông.

Với luồng ý kiến không đồng ý, nhiều nhà đầu tư cho rằng, cần cẩn trọng và  cần đảm bảo sự công bằng đối với các doanh nghiệp đã bị hủy niêm yết theo quy định. HAGL khi bị hủy niêm yết vẫn còn còn cơ hội chuyển sang UpCOM. Sau một thời gian đáp ứng các tiêu chuyển niêm yết có thể trở lại sàn HoSE.