Bản đồ Quy hoạch chi tiết 1/500 của Khu Công nghệ cao Đà Nẵng

Đây là nội dung tại Nghị định 04/2018/NĐ-CP về quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/2/2018.

Cụ thể, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong Khu CNC Đà Nẵng sẽ được áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm. Các dự án đầu tư mới có quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCNC được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% như đối tượng người lao động đang làm việc trong và ngoài khu công nghiệp theo khoản 5 Điều 49 Luật nhà ở.

Về thuế nhập khẩu, miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án trong Khu CNC, bao gồm máy móc, thiết bị; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án; và vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được; áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.

Miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của các dự án đầu tư vào Khu CNC.

Miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được, tài liệu, sách báo khoa học chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ trong Khu CNC.

Về đất đai, miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn dự án đầu tư thuê đối với đất xây dựng công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh, đất có mặt nước, công viên sử dụng công cộng theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu được phê duyệt; đất xây dựng công trình sự nghiệp của các tổ chức sự nghiệp công lập; đất xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực CNC; đất thực hiện dự án nhà ở cho chuyên gia, người lao động thuê khi làm việc tại Khu CNC; và dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (trừ dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu CNC).

Cũng theo Nghị định này, nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài làm việc trực tiếp tại Khu CNC Đà Nẵng và thành viên gia đình (bao gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi) được xem xét cấp thị thực có giá trị xuất, nhập cảnh nhiều lần với thời hạn phù hợp với mục đích nhập cảnh.

Về nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển Khu CNC Đà Nẵng, Nghị định 04 nêu rõ ngân sách trung ương ưu tiên bố trí đủ số vốn bổ sung có mục tiêu (phần vốn ngân sách trung ương cam kết hỗ trợ trong từng giai đoạn) cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án, công trình trong Khu CNC và các chương trình quốc gia phát triển Khu CNC. Hằng năm, trong trường hợp vượt thu ngân sách trung ương, Chính phủ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội ưu tiên hỗ trợ vốn cho Khu CNC Đà Nẵng nhằm sớm đưa Khu CNC này hoàn thành đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật vào năm 2020.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ ưu tiên huy động vốn ODA cho Đà Nẵng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các dự án xây dựng công trình tiện ích công cộng cần thiết, trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Việc bố trí vốn đối ứng trong nước cho các dự án, công trinh này do ngân sách thành phố bảo đảm. Hằng năm, UBND thành phố Đà Nẵng tập trung bố trí đủ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương để hoàn thành các dự án, công trình trong Khu CNC theo kế hoạch được phê duyệt; đồng thời, BQL Khu CNC được huy động vốn trong nước để đầu tư xây dựng, phát triển Khu CNC Đà Nẵng.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng là Khu công nghệ cao (KCNC) đầu tiên ở khu vực miền Trung và là KCNC đa chức năng cấp quốc gia thứ ba của cả nước (sau khu CNC Hòa Lạc - Hà Nội và khu CNC thành phố Hồ Chí Minh).

Được thành lập theo Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 28/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Có diện tích 1.129,76ha tại hai xã Hòa Liên và Hòa Ninh thuộc huyện Hòa Vang với 7 phân khu chức năng. Công trình nằm trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, nối liền các khu kinh tế trọng điểm miền Trung như: Khu Kinh tế Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Khu Kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi).

Mục tiêu phát triển của khu CNC Đà Nẵng là thu hút các nguồn lực công nghệ cao (CNC) trong nước và nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển CNC; Gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp CNC và phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp CNC, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Việt Nam.