Thời gian qua các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước đã gặp phải những khó khăn rất lớn khi các sản phẩm nhôm giá rẻ, không rõ ràng về tiêu chuẩn chất lượng từ Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam khiến cán cân thị thị phần giữa nhôm Trung Quốc và nhôm trong nước quay ngược hoàn toàn.

Nhôm Việt cần điểm tựa cạnh tranh và xuất ngoại

Nhôm Việt cần "điểm tựa" để cạnh tranh và xuất ngoại

Theo ông Trần Dũng - Giám đốc Công ty CP Nhôm Ngọc Diệp, thời gian qua, các doanh nghiệp nhôm trong nước đã gặp phải những thách thức "chưa bao giờ có" khi các khó khăn dường như cộng hưởng nhau. Một phần, phía Trung Quốc áp dụng chính sách hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu nhôm, một phần hàng lậu trốn thuế theo đường tiểu ngạch tuồn vào Việt Nam. Trong khi doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng rất khắt khe của Bộ Xây dựng và Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thì hầu hết các sản phẩm nhôm nhập khẩu Trung Quốc lại không theo một quy chuẩn nào cả.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc Bộ Công thương ban hành Quyết định 1480/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, Hiệp hội nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) ra đời giúp doanh nghiệp có điểm tựa về mặt pháp lý để chống lại cuộc cạnh tranh không lành mạnh của nhôm thanh định hình Trung Quốc vào Việt Nam. 

Chia sẻ về quan điểm của mình, ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch nhôm Sông Hồng kiêm Chủ tịch VAA cho rằng tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước phải cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại trong khi đó, ngành nhôm Việt Nam còn rất non trẻ, công nghệ cũng chưa tiên tiến dẫn đến một thực tế là sức cạnh tranh của nhôm Việt Nam so với các nước còn rất yếu.

“Từ tháng 9/2015 nhập khẩu phôi nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhôm áp thuế 3%, thuế xuất khẩu từ 0% lên 7% rồi điều chỉnh còn 5% khiến xuất khẩu nhôm gặp khó", ông Kế nói.

Nói về kỳ vọng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ mở ra cơ hội cho mặt hàng nhôm của Việt Nam trong thời gian tới, ông Kế cho biết, trên thực tế, khi chưa có EVFTA các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều đối tác từ châu Âu. Tuy nhiên, bên cạnh các yêu cầu về giá cả, sản phẩm còn phải đáp ứng cả những tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề bảo vệ môi trường, lao động… rất khắt khe.

“Trước mắt, Hội sẽ xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng về nhôm thanh định hình Việt Nam để tạo điểm tựa cạnh tranh với hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng, để tận dụng được cơ hội sắp tới, các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng chất lượng giá thành sản phẩm, giá thành hợp lý để cạnh tranh sòng phẳng với nhôm ngoại", ông Kế nhìn nhận.

Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng viện kinh tế CIEM gợi, ý chúng ta có 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) phủ gần như tất cả các thị trường quan trọng nhất trên thế giới trừ Hoa Kỳ. Đối với ngành xuất khẩu nhôm của Việt Nam chủ yếu đang xuất đi ASEAN, Hoa Kỳ, EU.

Tại thị trường trong nước, thuế chống bán phá giá là một công cụ để bảo hộ nhưng sẽ chỉ kéo dài được một vài năm. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh mới là cách để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và tận dụng lợi thế từ các FTA để xuất khẩu. Do đó, bên cạnh việc cạnh tranh tại thị trường trong nước tại các doanh nghiệp Việt hãy nghĩ đến việc xuất khẩu như là một cách để thoát khỏi cạnh tranh và mang lại hiệu quả cao.

Như vậy, các biện pháp phòng vệ thương mại chỉ có mục tiêu tạo ra một thị trường cạnh tranh cho mọi doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp nhôm trong nước, việc phải tự đổi mới liên tục, cập nhật khoa học kỹ thuật, cải tiến quản trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành được xem là chìa khóa để giành thị phần và tiến xa hơn.

"Khó khăn khách quan là không thể tránh khỏi, trong "nguy" lại có "cơ", trước những diễn biến tiêu cực vừa qua, doanh nghiệp đã xác định đi chậm nhưng chắc, chú trọng đầu tư công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới, nâng cao hiệu suất sản xuất cũng như tìm hướng xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường như Mỹ, Canada, Hàn Quốc với nhiều hình thức linh động", ông Trần Dũng - Giám đốc công ty nhôm Ngọc Diệp bày tỏ.