>> Nông nghiệp thay đổi thể chế để khơi thông nguồn lực

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp -“trụ đỡ” của nền kinh tế đã có một năm “lội ngược dòng” làm tiền đề cho “Khát vọng Nông nghiệp Việt Nam” những năm tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

- Ngành nông nghiệp đã trải qua một năm đầy “bão tố”, thưa Bộ trưởng?

Có lẽ, nỗi ám ảnh lớn nhất đối với ngành nông nghiệp trong năm qua, đó là sự đứt gãy chuỗi giá trị các ngành hàng do đại dịch Covid-19, các địa phương thực hiện lệnh giãn cách xã hội và phòng, chống dịch thiếu thống nhất. Nỗi ám ảnh thứ hai là “cơn bão” giá vật tư đầu vào, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đều tăng cao.

Nhưng chúng ta đã vượt qua và hoàn thành được các chỉ tiêu. Chúng ta có thể tự hào rằng, trong thách thức, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn đạt những kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,85 - 2,9%. Xuất khẩu nông sản đạt mức cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu được Chính phủ giao. Có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD là gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, caosu.

Điều đó nói lên sự năng động, thích ứng nhanh nhạy, phục hồi nhanh chóng những tháng cuối năm của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, người nông dân.

Cũng trong năm 2021, chúng ta đã vượt qua những nỗi đắn đo, mạnh mẽ tìm kiếm những điều mới hơn, mô hình mới hơn, cách tiếp cận mới hơn. Chúng ta cùng nhau mở rộng không gian phát triển, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ “tư duy quản lý” sang “tư duy hỗ trợ, kiến tạo” như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Mô hình trồng rau sạch tại tỉnh Hà Nam theo chuẩn Global GAP đang nhanh chóng được nhân rộng.

Mô hình trồng rau sạch tại tỉnh Hà Nam theo chuẩn Global GAP đang nhanh chóng được nhân rộng.

- Với nền tảng của năm 2021 ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cụ thể nào cho năm 2022, đặc biệt giải pháp để “khơi thông nguồn lực”, thưa Bộ trưởng?

Ngành nông nghiệp luôn xác định phải chủ động “thay đổi thể chế để khơi thông nguồn lực”, phải phân cấp, phân quyền hơn nữa cho địa phương. Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2022, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 2,9 - 3,0%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 49 tỷ USD.

Để đạt được những mục tiêu đề ra như trên, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số... Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng nông nghiệp...

>> "6 từ khoá" cho chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp

- Ngành nông nghiệp sẽ đặt những mục tiêu gì để thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” vừa được Chính phủ ban hành, thưa Bộ trưởng?

Ngành nông nghiệp đang đứng trước 3 cái “biến”, gồm biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Chiến lược của Chính phủ đã chỉ rõ ngành nông nghiệp hướng tới việc “dán nhãn sinh thái” vào sản phẩm nông nghiệp, điều đó mới đáp ứng được xu thế kinh tế xanh.

Gợi mở từ "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050" vừa được Chính phủ ban hành, ngành Nông nghiệp xác định yêu cầu chuyển đổi từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", hướng tới những "giá trị xanh" được tạo nên từ "chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh". Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp "đa giá trị". Để không chỉ là "trụ đỡ" của nền kinh tế khi đất nước ở vào thời điểm khó khăn, ngành nông nghiệp quyết hướng đến khát vọng vươn tầm, đủ sức trở thành "thước đo mức độ bền vững của quốc gia".

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!