>>> Thấy gì qua quy mô thị trường trà sữa Việt Nam?

Hiện diện theo cách riêng

Trên thị trường F&B tại Việt Nam, trà sữa khẳng định vị trí số 1 với sức tiêu thụ lớn vượt xa những đồ uống phổ thông khác như trà, nước ép hay thậm chí cà phê. Theo báo cáo của Momentum Works và qlub, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN về tiêu thụ trà sữa với doanh thu ước tính 362 triệu USD (khoảng 8.470 tỷ đồng), sau Indonesia và Thái Lan. Các thương hiệu Dingtea, TocoToco, Tiger Sugar, Phúc Long, Gong Cha... phát triển tại Việt Nam từ sớm và đang chiếm thị phần lớn.

Mixue có mặt tại Việt Nam khi thị trường đang có sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, thương hiệu này hiện diện theo một cách đặc biệt: không quảng bá rầm rộ, mặc định hai mảng kinh doanh chính là kem và trà nhưng nhận diện thương hiệu tập trung ở mảng kem là chính với hình ảnh cây kem lớn nổi bật ở mặt tiền. Tuy nhiên, giới trẻ tìm đến Mixue để tiêu tiền nhiều hơn ở đồ uống còn lại: trà sữa.

Chọn vị trí gần trường học, khu dân cư đông đúc, Mixue dễ dàng tiếp cận khách hàng tiềm năng (ảnh: H.L)

Chọn vị trí gần trường học, khu dân cư đông đúc, Mixue dễ dàng tiếp cận khách hàng tiềm năng (ảnh: H.L)

Cả trà sữa lẫn kem ở Mixue không có gì đặc biệt về chủng loại, khách hàng có thể thưởng thức ở bất cứ cửa hàng nào. Ấn tượng nhất ở thương hiệu này chính là giá cả. Một chiếc kem lớn, ngọt nhẹ, vừa miệng và có vị béo được bán với giá 10.000 đồng. Một cốc trà sữa chân trâu đang thịnh hành có giá 25.000 đồng.

Mức giá này chỉ bằng 50 - 60% so với sản phẩm cùng loại cho thấy, Mixue chọn phân khúc bình dân để phục vụ. Trong khi thị trường dường như đang dư thừa thương hiệu ở phân khúc cao cấp thì ở phân khúc bình dân, người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn, ngoài một số cái tên như trà sữa đồng giá Đô Đô.

Chọn phân khúc phù hợp là thành công bước đầu của Mixue. Không đi theo cách làm thương hiệu của những tên tuổi lớn, hệ thống cửa hàng Mixue chọn cách riêng. Thay vì tạo sự hào nhoáng, cửa hàng của Mixue thiên về sự đơn giản, giản tiện nhưng vẫn nổi bật với hai tông màu chủ đạo là trắng - đỏ.

Các cửa hàng có diện tích không lớn giúp giảm gánh nặng chi phí mặt bằng, đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, Mixue vẫn dễ dàng tiếp cận khách hàng chính là học sinh sinh viên khi đa phần các cửa hàng nằm trong các khu dân cư đông đúc, gần các trường học, mặt phố đông đúc. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Kompa, học sinh, sinh viên là đối tượng quan tâm và tiêu thụ trà sữa lớn nhất trên thị trường Việt Nam với 73,2%.

Đằng sau Mixue là ai?

Hướng đến phục vụ giới trẻ với giá thành cạnh tranh đã giúp Mixue nhanh chóng trở thành thương hiệu bình dân cho số đông. Chưa kể, chi phí nhượng quyền thấp là lợi thế để Mixue mở rộng cửa hàng một cách nhanh chóng, nhất là tại các thành phố lớn. Đó là lý do tại sao, trong vòng gần 1 năm nay, số lượng cửa hàng Mixue trên cả nước đã lên tới trên dưới 600 cửa hàng trải khắp 43 tỉnh thành. Tại một số quận nội thành tại Hà Nội, trong khoảng cách hơn 1km lại có cửa hàng Mixue - tốc độ phủ sóng mà không phải thương hiệu đồ uống lớn nào cũng có thể thực hiện một cách nhanh chóng như vậy.

Sản phẩm có giá rẻ và chất lượng đang tạo sức hút cho Mixue

Sản phẩm có giá rẻ và chất lượng đang tạo sức hút cho Mixue

Làm thương hiệu theo một cách riêng, Mixue có điểm chung với nhiều thương hiệu đồ uống là có sự hậu thuẫn của tập đoàn lớn. Được thành lập từ năm 1997, Mixue là một trong những thương hiệu trà sữa nổi tiếng tại Trung Quốc được định giá hàng tỷ USD. Tại đất nước tỷ dân này, Mixue được định vị  là một thương hiệu đồ uống giá rẻ. Đây là lợi thế để thương hiệu này nhanh chóng mở rộng hệ thống cửa hàng với con số đầy đủ có thể lên đến 30.000.

Ngoài thị trường Trung Quốc, thương hiệu này đã thâm nhập thị trường Việt Nam và Indonesia - 2 trong 3 thị trường trà sữa lớn của ASEAN và đăng ký nhãn hiệu tại khoảng 30 thị trường khác.

Có thể còn quá sớm để nói về thành công và phát triển “nóng” của Mixue tại thị trường Việt Nam nhưng ít nhất, trong thời điểm này, Mixue đã làm phong phú và thêm sự lựa chọn cho đối tượng thu nhập trung bình ở phân khúc bình dân - phân khúc chính tiêu thụ trà sữa.