Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, quan hệ hai bên cải thiện với các chuyến thăm cấp cao của Phó nguyên soái Jo Myong-rok tới Mỹ hay Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright tới Bình Nhưỡng.

Triều Tiên và "danh sách trục ma quỷ"

Tuy nhiên, tình trạng êm ấm này đã giảm đi đáng kể sau khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức vào tháng 1/2001 và thi hành chính sách cứng rắn với Triều Tiên.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc, Kim Tae Jung tại Washington vào tháng 3/2001, Tổng thống Bush đã nói rất rõ ràng về việc xem xét lại chính sách của Mỹ với Triều Tiên vì cho rằng Triều Tiên là “mối đe dọa thực sự” của Mỹ.

Giới quan sát cho đây là cái cớ để chính quyền Mỹ đẩy mạnh kế hoạch thiết lập hệ thống tên lửa xuyên quốc gia đang bị dư luận trong và ngoài nước phản đối.

Quan điểm trên được Ngoại trưởng Mỹ, Colin Powell khẳng định trong một cuộc điều trần trước Thượng viện khi nhấn mạnh sự cần thiết phải áp đặt nguyên tắc “có đi có lại” chặt chẽ trong quan hệ giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.

Có thể thấy chính quyền Bush bắt đầu “xem xét lại” các chính sách của chính quyền Clinton với Triều Tiên, bởi họ cho rằng đã có sự “vội vã và thái quá” trong việc bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng.

Chính quyền mới ở Mỹ đã tỏ thái độ cứng rắn khi cho rằng: "mọi chính sách của Mỹ là hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ của Triều Tiên, và Triều Tiên vẫn là nguy cơ quân sự, an ninh của Mỹ".

Thái độ “diều hâu” của chính quyền Bush đã làm ngưng trệ quan hệ giữa Mỹ với Bắc Triều Tiên và ở một mức độ nhất định, ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Kể từ tháng 11/2001 các cuộc đàm phán liên Triều nhằm tìm giải pháp hòa bình đều bị đình chỉ, tình hình trên bán đảo có nguy cơ trở lại trạng thái căng thẳng, đối đầu như nó đã từng tồn tại trong nửa thế kỷ qua.

Một điều dường như đã trở thành quy luật: cứ mỗi khi có tia hi vọng nào đó của tiến trình thống nhất lóe lên thì hoặc là Mỹ hoặc là Triều Tiên bằng những hành động của mình ngay lập tức dập tắt nó.

Lý do của Triều Tiên là muốn tìm cách thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về sự “kỳ bí” của chính họ. Còn về phía Mỹ là muốn duy trì bán đảo ở trạng thái để ngỏ khả năng dùng vũ lực tấn công quân sự.

Vì cho rằng cần phải trừng phạt chính sách hạt nhân và âm mưu chế tạo vũ khí giết người hàng loạt của Bình Nhưỡng.

Quan hệ Mỹ - Triều trở nên xấu đi khi Mỹ chính thức liệt Triều Tiên vào cái gọi là “trục ma quỷ” cùng với Iran và Iraq. Trong khi đó, Triều Tiên chỉ trích Tổng thống Bush là "kẻ độc tài", "tàn độc hơn cả Hitler".

Bush tháng 1/2002 xếp Triều Tiên bên cạnh Iran và Iraq vào

Cựu Tổng thống G.Bush tháng 1/2002 xếp Triều Tiên bên cạnh Iran và Iraq vào "trục ma quỷ"

Mỹ trở lại bàn đàm phán với Triều Tiên vào năm 2003 theo khuôn khổ 6 bên cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản nhưng không đạt được nhiều kết quả. Triều Tiên năm 2006 lần đầu tiên thử hạt nhân.

Từ năm 2007, Triều Tiên có thái độ hợp tác hơn khi ngừng một số hoạt động hạt nhân và vô hiệu hóa một số nguyên tố quan trọng tại khu phức hợp hạt nhân chính để đổi lại các lợi ích về an ninh, kinh tế, năng lượng. Tháng 10/2008, Mỹ đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách đen những quốc gia tài trợ khủng bố.

Nhưng đàm phán sau đó sụp đổ vì tranh cãi về cách xác minh các bước phá hủy. Triều Tiên rút khỏi đàm phán vào năm 2009 để phản đối việc bị cộng đồng quốc tế lên án vụ phóng tên lửa tầm xa.

Chính quyền Obama thực hiện chính sách "kiên nhẫn chiến lược", không đối thoại với Bình Nhưỡng trừ khi họ dừng các hành động mà Washington cho là khiêu khích.

Đến cái bắt tay dài 12 giây

Lên nắm quyền sau khi cha qua đời cuối năm 2011, Kim Jong-un đẩy mạnh chương trình phát triển vũ khí. Năm 2017, thế giới chứng kiến nguy cơ nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân lần 6 và tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

Kim và Trump còn thường xuyên công kích cá nhân và đe dọa chiến tranh. Trong bài phát biểu đầu tiên trước Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên để bảo vệ Mỹ và đồng minh.

Tưởng chừng như một lần nữa, Mỹ - Triều lại đứng trên bờ vực chiến tranh thì bất ngờ cục diện căng thẳng bán đảo Triều Tiên thay đổi từ bài phát biểu đầu năm mới 2018 của Kim Jong-un, khi ông đưa ra thông điệp cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, tuyên bố nhiệm vụ hạt nhân của Bình Nhưỡng đã hoàn tất và nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế.

Tự tay vén bức rèm bí ẩn, ông Kim bắt đầu cởi mở hơn với thế giới khi tiến hành họp thượng đỉnh với các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây là động thái mang ý nghĩa lớn vì trong suốt 6 năm cầm quyền, Kim Jong-un chưa bao giờ rời khỏi đất nước và cũng không gặp lãnh đạo nước ngoài nào.

Tháng 3/2018, Triều Tiên gửi lời mời họp thượng đỉnh Trump - Kim đồng thời cam kết "không tiến hành thêm các vụ thử tên lửa hay hạt nhân". Tổng thống Mỹ nhanh chóng nhận lời và cuộc gặp lịch sử diễn ra vào tháng 6/2018 tại Singapore. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp một lãnh đạo Triều Tiên.

Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore năm 2018

Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore năm 2018

Phiên họp thượng đỉnh kết thúc với lễ ký một tuyên bố chung 4 điểm, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định cam kết của mình đối với "tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn" của bán đảo Triều Tiên. Đổi lại, Washington sẽ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng, ngừng tập trận chung với Seoul trong giai đoạn đối thoại thiện chí giữa Mỹ và Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo đã cam kết vượt qua những căng thẳng và thù địch trong nhiều thập kỷ qua giữa hai nước để mở ra một tương lai mới, xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong buổi họp báo sau cuộc hội đàm, Tổng thống Trump đã khẳng định một lần nữa tầm quan trọng thỏa thuận lịch sử mà ông đã ký với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông đã cảm ơn các nước làm nên thành công của cuộc gặp thượng đỉnh này, trong đó có những cường quốc khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Và khẳng định rằng, văn kiện này sẽ mở ra tương lai tươi sáng của khu vực nhưng không phải hòa bình thực sự giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ đến trong ngày một ngày hai.

Tuy Tổng thống Mỹ ca ngợi kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh, giới quan sát tỏ ra hoài nghi về tác động thực tiễn, nghi ngờ rằng Triều Tiên chỉ đang "câu giờ" để cứu vãn nền kinh tế bị bóp nghẹt bởi các lệnh trừng phạt.

Sau hội nghị, Mỹ chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên đồng ý trao trả hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh và phá dỡ một số cơ sở thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tên lửa.

Tuy nhiên, nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo không tiến triển như kỳ vọng, khi Triều Tiên được cho là vẫn tiếp tục mở rộng các cơ sở tên lửa, hạt nhân, còn Mỹ vẫn duy trì chiến dịch gây sức ép tối đa.

Để phá vỡ bế tắc, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đi đến thống nhất hai bên sẽ gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội. Liệu cuộc gặp này có mở ra một trang sử mới cho mối quan hệ hai nước, và thế giới có thể kỳ vọng gì vào Hội nghị lần này?

Bài cuối: Mô hình nào cho Triều Tiên?