>>> Quảng Ninh: Duy trì “lửa” cải cách, nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp

Từ đi đầu...

Trong Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. 100% tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó, có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số.

Trước xu thế phát triển, sự cạnh tranh của thị trường, những thay đổi nhanh chóng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được xác định là chìa khóa thành công. Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng từng bước áp dụng công nghệ 4.0, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, doanh nghiệp, đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương.

Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Ninh: Là doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, từ năm 2021 đến nay, PC Quảng Ninh thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực: Tài chính kế toán, kinh doanh, kỹ thuật… Đến nay tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của Công ty đạt 86,67%, tỷ lệ cung cấp dịch theo phương thức điện tử đạt 100%, tỷ lệ cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đạt 100%. 

Với mục tiêu số hóa toàn bộ các quy trình nội bộ, Công ty đã tiến hành số hóa và đưa vào vận hành tại tất cả các đơn vị phần mềm số hóa quy trình ở 3 lĩnh vực: Tài chính kế toán, dịch vụ khách hàng, kỹ thuật an toàn. Đặc biệt, PC Quảng Ninh chú trọng áp dụng công nghệ mới, tự động hóa trong sản xuất kinh doanh. Công ty hiện sử dụng 390.584 công tơ điện tử trên lưới điện; trong đó 281.064 công tơ điện tử đọc chỉ số từ xa, nhằm tạo sự minh bạch, tự động hóa vận hành, tạo sự tin tưởng cho khách hàng.

Công nhân PC Quảng Ninh vận hành thiết bị flycam chuyên dụng để kiểm tra đường dây (ảnh báo Quàng Ninh)

Công nhân PC Quảng Ninh vận hành thiết bị flycam chuyên dụng để kiểm tra đường dây (ảnh báo Quàng Ninh)

Tỷ lệ thu thập dữ liệu đo xa sau trạm biến áp công cộng đạt 95,9% tổng số công tơ đo xa đang vận hành; tỷ lệ thu thập dữ liệu đo xa công tơ điện tử trạm biến áp cấp điện, trạm biến áp công cộng, trạm biến áp 110kV đạt 98%; tỷ lệ thu thập dữ liệu đo xa công tơ khách hàng đạt 65,99%. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý điều hành sản xuất, mang lại lợi ích cho khách hàng sử dụng điện, nâng cao chất lượng dịch vụ. 

Theo đại diện Trung tâm Đào tạo kỹ năng Awaken: Đơn vị là một trong số cơ sở giáo dục tư thục tích cực thực hiện chuyển đổi số trong các khâu giảng dạy, quản lý, điều hành. Ngay từ năm 2019, Trung tâm đã sử dụng hệ sinh thái giáo dục của Mircosoft cho học sinh, sinh viên và giáo viên. Bên cạnh đó, đơn vị áp dụng tổ chức các lớp học theo phương pháp lớp học đảo ngược Flipped bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, học sinh được cung cấp tài liệu, hình ảnh, video bài giảng qua môi trường mạng để tìm hiểu, nghiên cứu, ghi nhớ. Trên cơ sở các sản phẩm của học sinh sau khi nghiên cứu tài liệu, giáo viên và học viên cùng trao đổi, thực hành, làm bài tập để đạt kết quả tốt nhất.

Trung tâm đang áp dụng phần mềm quản lý công việc theo phương pháp Kanban, giúp đảm bảo tối ưu phân công lao động, kiểm soát chặt chẽ tiến độ, góp phần hình thành văn hóa doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả và kỷ luật cao. Qua đó giúp đơn vị chuyển đổi phương thức hoạt động, thích nghi với hoàn cảnh, tìm ra lợi thế để có hướng phát triển thành công. Trung tâm là một trong số đơn vị được tôn vinh tại chương trình Edu star awards (Đơn vị tiêu biểu tư vấn du học và hợp tác quốc tế về giáo dục năm 2023) do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Nhằm số hóa thông tin, minh bạch thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển bền vững, Công ty CP Bất động sản Guland Quảng Ninh đã triển khai cung cấp ứng dụng App Guland miễn phí trong lĩnh vực bất động sản trên di động và máy tính cho khách hàng. Ứng dụng này cung cấp cho người sử dụng các thông tin về quy hoạch, tra cứu số thửa đất, xem vị trí sổ đỏ trên bản đồ, định vị GPS chỉ đường tìm vị trí thửa đất trên bản đồ, tham khảo giá nhà đất đang bán và đã  bán xung quanh, cung cấp thông tin bất động sản theo nhu cầu…

Công chức Cục Thuế và Chi cục Thuế hướng dẫn, hỗ trợ hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử (ảnh báo Quảng Ninh)

Công chức Cục Thuế và Chi cục Thuế hướng dẫn, hỗ trợ hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử (ảnh báo Quảng Ninh)

Qua đó không chỉ cung cấp thông tin thiết thực, minh bạch, sát với thực tế, mà còn giúp khách hàng mua, bán, cho thuê bất động sản dễ dàng. Đây là ứng dụng công nghệ chăm sóc khách hàng hiện đại, sở hữu một nền tảng dữ liệu lớn, đa dạng, minh bạch, giúp khách hàng có thể xem xét nhiều sản phẩm bất động sản trong cùng một lúc mà không cần làm việc với các môi giới tự do. Đến nay toàn tỉnh có 3.000 người đang sử dụng app này.

Những nỗ lực của doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số góp phần quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; 100% tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử; quy tụ được 50 doanh nghiệp số vào năm 2030.

...đến hỗ trợ

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả trong chuyển đổi số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, việc chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được các cấp, ngành chú trọng. Điều này cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của doanh nghiệp.

Để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, từ Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra, ngày 26/4/2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 110/KH-UBND về việc Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về chuyển đổi số năm 2023. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực về chuyển đổi số, trong đó sẽ tổ chức 60 khóa đào tạo cho 2.400 lượt học viên được đào tạo trực tiếp về quản trị doanh nghiệp, về chuyển đổi số; tổ chức 5 hội thảo hướng dẫn...

Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, theo đó sẽ hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 20 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ; không quá 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa. Số lượng doanh nghiệp hỗ trợ: 5 doanh nghiệp siêu nhỏ, 30 doanh nghiệp nhỏ, 30 doanh nghiệp vừa.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Thời gian qua, để các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số, tỉnh và các sở, ban, ngành đã quyết liệt đưa ra các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhân viên bán hàng HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long) quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử quốc gia (ảnh báo Quảng Ninh)

Nhân viên maketing quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử quốc gia (ảnh báo Quảng Ninh)

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Hiện nay, chuyển đổi số rất cần thiết cho doanh nghiệp. Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chúng tôi đã thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ, tư vấn miễn phí về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp với hình thức trực tuyến trên nền tảng số và trực tiếp tại Văn phòng của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 50 doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm chuyển đổi số. Để các doanh nghiệp chuyển đổi số đạt kết quả cao, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cũng đã chủ động đôn đốc, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách tham gia thí điểm chuyển đổi số. Vừa qua, với sự hỗ trợ của tỉnh và các ngành địa phương một số doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào công tác này.

Từ tháng 6/2022, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; 2.325 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 95,7% chỉ tiêu), phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã đưa 187/267 (đạt 70%) sản phẩm OCOP  tỉnh Quảng Ninh đạt từ 3 sao trở lên, lên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít doanh nghiệp không nhận thấy sự cần thiết của quá trình chuyển đổi số, chậm thay đổi cũng như không thực hiện chuyển đổi số một cách triệt để. Dù là quy mô lớn hay nhỏ thì những doanh nghiệp như vậy sẽ bị trải qua giai đoạn gián đoạn số, dẫn tới nguy cơ của sự tụt hậu và dần bị loại ra khỏi cuộc đua.

Chuyển đổi số là cơ hội lớn để các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất theo công nghệ cao tạo ra thế và lực mới, nâng cao hơn nữa đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh.