>>> Động lực phấn đấu để Quảng Ninh sớm trở thành trung tâm kết nối vùng

Động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể trong chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực. Qua đó, đã tạo tiền đề vững chắc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng văn minh, hiện đại.

Ngày 5/2/2022, tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng 2030. Một trong những lĩnh vực chuyển động mạnh mẽ là chuyển đổi số trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) từ cấp tỉnh đến cơ sở. Theo đó, tại các trung tâm hành chính công các cấp, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã trong tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC gắn với chuyển đổi số, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đến nay, số lượng hồ sơ TTHC nộp trực tuyến đã tăng mạnh.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể trong chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực (ảnh minh họa)

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể trong chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Hải Hà, Trưởng Phòng Tiếp nhận và giải quyết TTHC, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Khi toàn bộ kết quả giải quyết TTHC được số hóa, được đưa lên kho dữ liệu của tỉnh, của trung ương, chia sẻ cho kho dữ liệu của các sở, ban, ngành và gửi vào kho dữ liệu của các tổ chức doanh nghiệp thì toàn bộ kết quả giải quyết TTHC đã được công khai minh bạch trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Như vậy, toàn bộ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân có thể truy cập để kiểm tra bất kỳ lúc nào, bất kỳ thời điểm nào chỉ cần có kết nối internet. Việc này, nhằm đảm bảo cho việc giải quyết TTHC nhanh, minh bạch, thuận tiện nhất cho công dân.

Cùng với đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được chú trọng, đến nay 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công, trường đại học, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; trên 65,7% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, 22,8% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp huyện thanh toán không dùng tiền mặt; trên 85,7% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt với giá trị thanh toán chiếm 97,2%; trên 77% số doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt với giá trị thanh toán chiếm 87,44%; 98,4% số thu NSNN (thuế, phí, lệ phí) bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt… Hiện việc phủ sóng thông tin di động đến các hộ dân triển khai tới 100% các xã, phường và thị trấn trong toàn tỉnh. Tỉnh đã hoàn thành xong việc phủ lõm sóng cho 97/113 thôn, còn 16 thôn còn lại sẽ hoàn thành trong quý I/2023.

Cán bộ ngân hàng Quảng Ninh hướng dẫn hộ kinh doanh mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt (ảnh báo Quảng Ninh)

Cán bộ ngân hàng Quảng Ninh hướng dẫn hộ kinh doanh mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt (ảnh báo Quảng Ninh)

Để thúc đẩy xây dựng chính quyền số, từ đầu năm 2022, tỉnh đã triển khai phần mềm ISO điện tử theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Hiện phần mềm này được triển khai đến 25 sở, ban, ngành, 12 chi cục; 13/13 UBND cấp huyện, 177/177 UBND cấp xã trong tỉnh.

Hiện Quảng Ninh đứng đầu cả nước về tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (78%); 100% thủ tục đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thì Quảng Ninh cũng đã hoàn thành để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp. Từ tháng 5/2022, Quảng Ninh là một trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành kết nối dữ liệu dân cư. Về mức độ chính quyền điện tử (chỉ số ICT), hiện tỷ lệ hồ sơ được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử của cả 3 cấp tăng 60% so với năm 2021 và 90% người đứng đầu đã sử dụng chữ ký số; tỷ lệ văn bản gửi trên môi trường mạng đạt 95%. Quảng Ninh đang đứng ở vị trí thứ 2 về tính công khai, minh bạch; tiến độ giải quyết TTHC cũng đứng thứ 2 và việc số hóa hồ sơ đứng thứ 5 cả nước. Hiện 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đạt 95,7%, phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tạo ra chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển đổi số

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Tỉnh đã ban hành các kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số toàn diện. Đồng thời, hằng tháng UBND tỉnh cũng nghe báo cáo tình hình, kết quả thực hiện chuyển đổi số nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra.

Xác định nhân lực là yếu tố then chốt trong chuyển đổi số, tỉnh đã hoàn thành khảo sát thực trạng nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đồng thời, phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho hơn 31.000 CBCCVC. Các sở, ngành và địa phương đã tổ chức lớp tập huấn về xử lý những vấn đề trên hệ thống chính quyền điện tử, ký số văn bản điện tử, số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Đào tạo chuyên sâu cho CBCCVC phụ trách công nghiệp thông tin; tổ chức diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng toàn tỉnh…

Nhằm phát triển hạ tầng, dữ liệu, nền tảng số, Quảng Ninh đã tập trung triển khai các dự án như: Xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử từ sổ hộ tịch cũ tại địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng…

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung t âm Phục vụ hành chính công (ảnh báo Quảng Ninh)

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (ảnh báo Quảng Ninh)

Được biết, toàn tỉnh đã cung cấp 1.240/1.591 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 78%). Đồng thời, kết nối chính thức 5 cơ sở dữ liệu về đăng ký kinh doanh, dân cư, cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến… và thử nghiệm 7 cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật, quản lý danh mục điện tử dùng chung.

Từ tháng 5/2022, Quảng Ninh là một trong 3 tỉnh, thành đầu tiên hoàn thành việc kết nối hệ thống chính quyền điện tử tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ.

Thời gian qua, tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về sử dụng chữ ký số, ký kết biên bản hợp tác với đơn vị cung cấp chữ ký số công cộng cho người dân và doanh nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi; tích hợp giải pháp số Smart-CA của Viettel vào cổng dịch vụ công, cấp chữ ký số miễn phí cho công dân 2 phường Hải Hòa và Trần Phú (TP Móng Cái).

Nhằm phát triển kinh tế số, tỉnh đã đưa 187 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 2,46 triệu tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt…  Đến nay, đã có 65,77% số tiền phí dịch vụ hành chính công cấp tỉnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, các đơn vị viễn thông đã phối hợp với địa phương đầu tư thêm 54 trạm BTS phủ lõm sóng di động cho 66 thôn, đồng thời, xây dựng hạ tầng Internet cáp quang cung cấp dịch vụ đến 97/113 thôn, bản, 16 thôn còn lại sẽ được phủ lõm trong quý I/2023.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Viettel Quảng Ninh nghiên cứu, khảo sát, triển khai lắp đặt 1 trạm BTS tại khu vực làng chài Cửa Vạn, nhằm phục vụ thông tin liên lạc trên vịnh Hạ Long. Việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng được xác định là trụ cột thúc đẩy chuyển đổi số. Do đó, tỉnh đã kiện toàn đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho 23 hệ thống, tích cực tham gia diễn tập trực tuyến ứng cứu sự cố… Định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất, tỉnh sẽ tiến hành rà soát lỗ hổng bảo mật của hệ thống tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, ban hành văn bản cảnh báo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị rà soát, ngăn chặn, vá lỗ hổng bảo mật, qua đó góp phần chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, an toàn.

Cơ sở chế biến chè Dũng Nga (thôn 8, xã Quảng Long, huyện Hải Hà) đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và sử dụng hình thức thanh toán bằng mã QR (ảnh báo Quảng Ninh)

Cơ sở chế biến chè Dũng Nga (thôn 8, xã Quảng Long, huyện Hải Hà) đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và sử dụng hình thức thanh toán bằng mã QR (ảnh báo Quảng Ninh)

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đẩy mạnh và hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động và tăng cường chức năng theo dõi, giám sát. Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, xây dựng và triển khai đồng bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp, qua đó là thước đo về hiệu quả các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực tăng mức độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử; chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp lớn trong các ngành kinh tế trọng điểm, như: Công nghiệp, chế biến, chế tạo, khai khoáng, năng lượng, nông nghiệp, giao thông và logistics thông minh, cửa khẩu số, du lịch, kinh tế cửa khẩu.