Theo tuyên bố của đoàn đàm phán do Bộ Công Thương chủ trì, mặc dù không còn Hoa Kỳ nhưng Hiệp định CPTPP vẫn được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây.

Về cơ bản, CPTPP kế thừa tất cả nội dung của TPP trước đây nên lợi ích của Hiệp định TPP vẫn còn. Tuy nhiên, khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP thì cân bằng chung của hiệp định có thay đổi với tất cả các nước, đặc biệt về cam kết mở cửa thị trường.

Trên cơ sở cân nhắc tới việc thay đổi cân bằng chung của hiệp định khi không còn Hoa Kỳ, các nước cũng quyết định tạm hoãn chưa thực hiện 20 nhóm nghĩa vụ đã được Hoa Kỳ đề xuất trước đây.

Nhìn chung, 20 điểm tạm hoãn này, tập trung ở các lĩnh vực bảo vệ quyền lợi của người sáng chế (đặc biệt là dược phẩm), mở rộng các trường hợp được bảo hộ, tăng bảo hộ đối với quyền của nhà đầu tư Mỹ tại nước ngoài… đều xuất phát từ yêu cầu cứng rắn của Mỹ mà nhiều thành viên của TPP trước đây phải chấp nhận để đánh đổi lại các lợi ích khác từ Mỹ.

Mặc dù không có Mỹ, các thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam như các thị trường Nhật, Canada, Mexico...

Thông tin CPTPP sớm được thông qua là tín hiệu tích cực đối với triển vọng các ngành xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là dệt may, da giày, nông thủy sản…