hihii

Trong quá trình thực hiện Nghị định 126/2020/NĐ-CP, có một số điểm quy định chưa rõ, cần phải sửa đổi, bổ sung. Ảnh: TCT.

Theo đó, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP (Nghị định 126) quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong đó, sửa đổi một số điểm quy định về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Xung quanh vấn đề này, theo PGS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho rằng, Nghị định 126 được ban hành trước đây đã quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, góp phần tạo cơ sở pháp lý để quản lý thuế theo hướng hiện đại, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, công tác quản lý thuế đã có những thay đổi theo hướng quản lý chặt chẽ nguồn thu theo quy định của các luật thuế, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 126, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đề xuất cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người nộp thuế trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.

Đối chiếu dự thảo, PGS Lê Xuân Trường đánh giá là có một số sửa đổi, sửa đổi tập trung vào xử lý những vướng mắc phát sinh trong kê khai, nộp thuế; làm rõ hơn thời hạn và trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan thuế; xác định trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử trong kê khai, nộp thuế cho cá nhân và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế; quy định về tính tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khi doanh nghiệp không hoàn thành đủ tỷ lệ tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

>>Cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP

Với những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo trình Chính phủ lần này, nếu được thông qua và ban hành nghị định sẽ có các tác động tích cực đến doanh nghiệp và người nộp thuế ở những điểm sau:

Thứ nhất, góp phần để người nộp thuế thực hiện các thủ tục thuế được dễ dàng, thuận tiện.

Thứ hai, giúp quản lý chặt chẽ các nguồn thu, hạn chế thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, qua đó tạo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa kinh doanh thương mại truyền thống với kinh doanh thương mại điện tử.

Thứ ba, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm bớt rủi ro phải nộp tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, dự thảo nghị định đã tháo gỡ vướng mắc trong việc tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Giải thích kỹ hơn, PGS Lê Xuân Trường cho biết, thời gian tính tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc trích nộp lợi nhuận sau thuế (nếu tổng số thuế tạm nộp thấp hơn quy định) được giảm đi 3 tháng.

Cụ thể, Nghị định 126 lấy ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quỹ III làm mốc tính thời gian tính tiền chậm nộp. Còn dự thảo Bộ Tài chính đang trình Chính phủ thì lấy mốc là ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp thuế của quý IV. Số thuế doanh nghiệp phải tạm nộp hoặc lợi nhuận sau thuế tạm nộp cũng được đề xuất sửa đổi có lợi cho doanh nghiệp.

Cụ thể, theo Nghị định 126, tổng số thuế tạm nộp của 3 quý đầu năm của doanh nghiệp nếu thấp hơn 75% số thuế phải nộp khi quyết toán thuế thì doanh nghiệp bị tính tiền chậm nộp với khoản thuế thấp hơn. Dự thảo sửa đổi theo hướng tính chung cả 4 quý, nếu số tạm nộp thấp hơn 80% số thuế phải nộp khi quyết toán thuế thì doanh nghiệp mới bị tính tiền chậm nộp thuế.

Điều chỉnh như vậy, doanh nghiệp sẽ không phải hoàn tất việc tạm nộp thuế cả năm từ quý III, trước khi kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính 2 tháng. Và nhờ đó, việc ước tính số thuế phải nộp sẽ sát thực tiễn kinh doanh hơn.

“Nội dung sửa đổi quy định về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp không làm ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách nhà nước, vì nghĩa vụ thuế trong kỳ tính thuế được xác định khi quyết toán là không thay đổi và doanh nghiệp có trách nhiệm nộp đủ vào ngân sách nhà nước trong năm tiếp theo” - PGS Lê Xuân Trường nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, việc sửa đổi này là hoàn toàn phù hợp với đề xuất, kiến nghị và tình hình thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Thời điểm xác định hoàn tất nghĩa vụ tạm ứng thuế như dự thảo là phù hợp để doanh nghiệp tập hợp được hoàn chỉnh doanh thu, chi phí trong năm tính thuế, qua đó tự xác định chính xác tổng thuế thu nhập doanh nghiệp mình phải đóng trong năm.

Quy định như vậy cũng khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hạch toán, ghi chép sổ sách kịp thời để chủ động trong việc thực hiện chính sách thuế, để khỏi bị chế tài. Theo ông Được, thực tế nội dung như dự thảo là không mới, vì trước đây từng quy định như vậy, và không có vướng mắc gì, nhưng đến Nghị định 126 mới thay đổi.

“Do đó, tôi cho rằng, Dự thảo sửa đổi Nghị định 126 không nhất thiết mất thời gian đánh giá tác động, thẩm định theo quy trình chung, mà nên áp dụng quy trình rút gọn để Nghị định sửa đổi sớm được ban hành, có hiệu lực và đi vào cuộc sống”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín nêu quan điểm.