Trung Quốc xây dựng vững chắc vai trò trong ngành hàng hải thế giới

Trung Quốc xây dựng vững chắc vai trò trong ngành hàng hải thế giới

Hoa Kỳ là minh chứng sống động nhất cho thấy khả năng kiểm soát đại dương có vai trò như thế nào trong quyền lực toàn cầu. Trung Quốc cũng đang đi theo con đường đó, nhưng cách tiếp cận của Bắc Kinh có phần khác biệt: thương mại đi đầu, quân sự theo sau.

>> Chọn Hiroshima, G7 gửi thông điệp gì tới Trung Quốc và Nga?

Quyền lực Trung Quốc trong ngành hải cảng

Có thể nói, mạng lưới hàng hải quốc tế có ý nghĩa sống còn đối với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Hơn 90% thương mại hàng hóa nước này vận chuyển bằng đường biển, cao hơn mức trung bình toàn cầu 80%. Theo đó, các cảng biển trên toàn cầu là những đường dẫn thiết yếu cho việc nhập khẩu năng lượng, khoáng sản, nông nghiệp và các hàng hóa quốc tế khác của Bắc Kinh.

Theo dữ liệu từ Drewry Maritime Research, năm 2022, các công ty Trung Quốc đã sở hữu hoặc vận hành khoảng 36 trong số 100 cảng container hàng đầu thế giới. Tính chung, Bắc Kinh đã thiết lập sự hiện diện tại 61% các trung tâm vận chuyển quốc tế năng động nhất trên thế giới.

Đáng chú ý, hơn một nửa số cảng nước ngoài mà Trung Quốc có cổ phần nằm dọc theo tuyến hàng hải huyết mạch nối Trung Quốc với các thị trường xuất khẩu lớn nhất ở châu Âu hay các nguồn nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên từ Vịnh Ba Tư và Châu Phi.

Trung Quốc thống trị quyền kiểm soát các cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới

Trung Quốc thống trị quyền kiểm soát các cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới

Tham vọng mở rộng ảnh hưởng hải quân

Trung Quốc có tham vọng mở rộng hiện diện của Hải quân, với lý do bảo vệ các tuyến hàng hải trọng yếu của mình, nhưng ý tưởng đó gặp rất nhiều thách thức, theo các chuyên gia.

Bắc Kinh khó có thể sao chép con đường phát triển hải quân của Hoa Kỳ do thiếu nhiều yếu tố để xây dựng và duy trì các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Trung Quốc đã thành lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại Djibouti vào năm 2017. Nhưng sau 6 năm, Bắc Kinh vẫn chưa có thêm một căn cứ quân sự nào khác ngoài biên giới.

Đó có thể là lý do Trung Quốc đang theo đuổi một cách tiếp cận lặng lẽ hơn, với trọng tâm là mở rộng năng lực kiểm soát các bến cảng trọng yếu, nhưng đồng thời cũng để củng cố phạm vi của các lực lượng vũ trang hải quân hiện có.

Các bến cảng thương mại không được thiết kế để hỗ trợ khả năng quân sự cao cấp, nhưng hoàn toàn có khả năng cho các tàu quân sự của Trung Quốc cập bến để thực hiện các hoạt động ngoại giao, tiếp nhiên liệu, bảo dưỡng và sửa chữa chuyên dụng. Trong số các cơ sở được sử dụng cho các mục đích như vậy có các cảng ở Singapore; Dar es Salaam (Tazania) hay Piraeus (Hy Lạp).

Một lợi ích lớn mà Trung Quốc có được từ mạng lưới các hải cảng: thông tin tình báo. Bắc Kinh thường theo đuổi các địa điểm hấp dẫn về mặt thương mại, như gần các thị trường và nguồn tài nguyên trọng điểm. Nhưng các công ty Trung Quốc đôi khi duy trì các dự án ít giá trị thương mại như cảng Gwadar (Pakistan) hay cảng Hambantota (Sri Lanka).

Đằng sau là tham vọng mở rộng năng lực hải quân ra quốc tế?

Trung Quốc có tham vọng mở rộng hiện diện của Hải quân

Càng hiện diện ở nhiều nơi, các nhà khai thác bến cảng Trung Quốc càng có nhiều thông tin độc quyền về hành trình của tàu bè và giao dịch thương mại. Những dữ liệu tổng hợp này thậm chí còn có giá trị hơn khi các hoạt động và hàng hóa quân sự tại cảng được giám sát.

Theo các nhà quan sát, do các cảng thuộc sở hữu của Trung Quốc thường nằm cùng vị trí với các căn cứ quân sự của quốc gia sở tại, như tại Haifa (Israel), nên Trung Quốc có cơ hội quan sát hoạt động của các quân đội khác.

Duy trì quyền kiểm soát các tập đoàn hàng hải lớn

Một vấn đề quan trọng khác là năng lực kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với các tập đoàn hàng hải nước này.

“Điều làm cho vị thế của Trung Quốc trở nên độc đáo là khả năng áp đặt các mục tiêu an ninh của Đảng Cộng sản Trung Quốc lên hoạt động của các công ty trong và ngoài nước”, chuyên gia Isaac Kardon của Viện Carnegie viết.

Chính phủ Trung Quốc có nhiều cách để gây ảnh hưởng đối với các công ty Trung Quốc ở nước ngoài, như sở hữu nhà nước hoặc kiểm soát bằng luật pháp.

>> Trung Quốc mạo hiểm "đặt cược" ở Afghnistan

Điển hình nhất là 3 gã khổng lồ COSCO Shipping Ports, China Merchants Port (CMPort) và Hutchison Ports (Hutchison) - hiện chiếm gần 80% cổ phần cảng nước ngoài của Trung Quốc, thì 2 trong số này là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Đối với các DNNN như COSCO hay China Merchants Group, Đảng Cộng sản Trung Quốc giữ quyền bổ nhiệm các vị trí hàng đầu để định hình hoạt động của công ty. Trong khi để điều hành các doanh nghiệp tư nhân, Bắc Kinh có những quy định yêu cầu các công ty đóng góp tài sản của họ cho mục đích quân sự.

Để duy trì trật tự thế giới, Mỹ và phương Tây đang ra sức kiềm chế Trung Quốc, nhưng họ có nguồn lực để làm điều đó hay không còn là một dấu hỏi.