Năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á đã gây hệ lụy không nhỏ. Năm 2007, khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu ở Mỹ, rồi lan rộng sang châu Âu, châu Á và tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới. Sau 10 năm, “bóng ma khủng hoảng” vẫn ám ảnh nền kinh tế thế giới.

p/Ngân hàng Thế giới cảnh báo nguy cơ tái diễn chu kỳ khủng hoảng tài chính 10 năm.

Ngân hàng Thế giới cảnh báo nguy cơ tái diễn chu kỳ khủng hoảng tài chính 10 năm.

Cảnh báo không thừa

Trong thời gian qua, dòng vốn đầu tư đã ồ ạt rút khỏi những nền kinh tế mới nổi, đặc biệt từ Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Brazil, Nam Phi và Ai cập. Những tín hiệu này khiến không ít người liên tưởng đến những biểu hiện trước khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính 2007- 2008. Thêm vào đó, trong một báo cáo gần đây nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề cập đến thuyết "chu kỳ khủng hoảng tài chính" để cảnh báo về nguy cơ tái bùng phát khủng hoảng tài chính trong thời gian tới mà hệ luỵ kèm theo có thể là khủng hoảng kinh tế thế giới. Theo đó, cứ khoảng sau một thập kỷ sẽ lại xảy ra khủng hoảng tài chính.

Theo WB, việc dòng vốn bất ngờ rút mạnh khỏi một số nền kinh tế mới nổi trước hết gây ra khủng hoảng tài chính ở những quốc gia đó, tác động tiêu cực tới các thị trường mới nổi khác, tạo phản ứng dây chuyền và dẫn đến khủng hoảng tài chính trên thế giới. Tình trạng này trên thực tế đã từng xảy ra trước các khủng hoảng tài chính trước đây và đã bắt đầu có một số biểu hiện trong thời gian gần đây. Theo đó, một số quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp đã phải tăng mạnh lãi suất cơ bản. Lãi suất ở Argentina đã tăng lên đến 40%, ở Thổ Nhĩ Kỳ lên mức 17,5%... Ở một số nền kinh tế mới nổi khác, tình hình chưa đến mức độ nghiêm trọng như vậy.

Nếu như năm 1997, Việt Nam không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi khủng hoảng tài chính châu Á, thì tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 đã lớn hơn. Đến nay, nếu chu kỳ khủng hoảng 10 năm xảy ra, thì tác động sẽ còn lớn hơn nữa. Bởi vì, độ mở của nền kinh tế Việt Nam đã lớn hơn nhiều, được thể hiện qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta bằng 193% GDP và Việt Nam đang nằm trong top các nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới. Bởi vậy, việc chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa và xây dựng kịch bản đối phó với khủng hoảng là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên trong lý thuyết về tài chính- tiền tệ không có phần nào đề cập đến "chu kỳ khủng hoảng tài chính" và cũng chẳng có lập luận khoa học nào về "chu kỳ khủng hoảng là 10 năm". WB cảnh báo như vậy cũng chỉ dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn từ khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 và 2007- 2008. Những cảnh báo của WB, dù "thà sai còn hơn sót", nhưng cũng góp phần nâng cao cảnh giác phòng ngừa rủi ro cho các quốc gia.

Cần biện pháp phòng ngừa rủi ro

Dòng vốn ngoại rút khỏi các thị trường mới nổi do: Thứ nhất, tình hình kinh tế ở các quốc gia này không mấy tích cực, cũng như chính sách kinh tế, tài chính và tiền tệ của các quốc gia này không thích hợp hoặc chưa đảm bảo tăng trưởng kinh tế năng động và ổn định để giảm được tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Thứ hai, tất cả những nền kinh tế này đều phụ thuộc vào USD, nên dễ bị tổn thương khi Mỹ thay đổi chính sách hoặc có những biến động về kinh tế, chính trị. Từ khi lên cầm quyền đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một số chính sách giúp nước Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trước rất nhiều đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cuộc cải cách thuế của chính quyền Trump đã có tác dụng nhất định, dù chỉ là ngắn hạn. Ngay cả chính sách bảo hộ thương mại được chính quyền Trump thực thi cũng làm tăng tính hấp dẫn hơn cho thị trường Mỹ về ngắn hạn. Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lại vừa tăng lãi suất cơ bản lần thứ 7 liên tiếp kể từ năm 2015. Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm, lãi suất cao và đồng USD mạnh lên đã góp phần thu hút dòng vốn từ bên ngoài đổ vào Mỹ. Bởi vậy, Mỹ đang là nền kinh tế tăng trưởng tích cực với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đều thấp.
Mặc dù những tín hiệu hiện tại khá giống như trước hai cuộc khủng hoảng tài chính đã xảy ra, nhưng nguy cơ xảy ra khủng hoảng mới lần này xem ra lại không nhiều. Bởi sau những cuộc khủng hoảng trước đây, các nước đều có những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, tránh bị vạ lây và sẵn sàng đối phó.

Những biểu hiện khủng hoảng nói trên hiện rời rạc và riêng lẻ ở một số nền kinh tế mới nổi, không liên quan đến nhau nhiều và không chịu tác động trực tiếp của nhau. Kinh tế thế giới nói chung hiện vẫn tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Hệ thống tài chính- tiền tệ của thế giới nói chung đã có được khả năng đề kháng cao hơn trước. Tuy nhiên, khó loại trừ hoàn toàn nguy cơ, nên các quốc gia cần có biện pháp phòng ngừa rủi ro khủng hoảng.