Theo ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi: Dù có xuất phát điểm thấp nhưng sau khi tái lập tỉnh, ngành nông nghiệp luôn có bước tăng trưởng ổn định, đảm bảo nhu cầu lương thực, từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản. Giá trị sản xuất nông lâm và thuỷ sản năm 2019 ước đạt 15.904 tỷ đồng, gấp 5,02 lần so với năm 1989, bình quân hàng năm tăng 5,5%; sản lượng lương thực có hạt ước đạt 497,8 ngàn tấn, gấp 2,1 lần.

p/Khảo nghiệm giống lúa mới

Nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống mới, quy trình kỹ thuật tiên tiến được áp dụng vào sản xuất cây trồng, vật nuôi góp phần tăng năng suất và chất lượng.

“Cách mạng xanh”

Đặc biệt, kể từ khi đại công trình thuỷ lợi Thạch Nham đưa vào sử dụng tưới cho hơn 30.000 ha đất canh tác, cuộc “cách mạng xanh” đã trải rộng khắp làng mạc, ruộng đồng Quảng Ngãi, diện tích gieo trồng lúa tăng dần qua từng năm, năng suất cây trồng tăng lên đáng kể.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống mới, quy trình kỹ thuật tiên tiến được áp dụng vào sản xuất cây trồng, vật nuôi góp phần tăng năng suất và chất lượng. Chuyển đổi diện tích lúa không chủ động nguồn nước, có năng suất thấp sang cây trồng khác, đặc biệt chuyển đổi sản xuất lúa 3 vụ bấp bênh sang sản xuất 2 vụ ăn chắc, sản xuất theo mô hình 3 tăng, 3 giảm trong sản xuất lúa đã góp phần giảm chi phí, tăng năng suất. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tăng khá, nhất là khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển.

  Thông qua Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Quảng Ngãi kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội để tiếp tục xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.

Đến hết năm 2018, Quảng Ngãi đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác ước đạt 770 ha; triển khai 103 cánh đồng lớn sản xuất lúa, mì với tổng diện tích 2.009 ha. Bước đầu thu hút đầu tư một số mô hình sản xuất rau an toàn, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc và gia cầm có nhiều phát triển, góp phần cải thiện đời sống nông dân, giúp nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo, từng bước hình thành mô hình trang trại chăn nuôi có quy mô công nghiệp, thay thế dần chăn nuôi tận dụng, nhỏ lẻ ở hộ gia đình.

Năm 2019, diện tích có rừng của Quảng Ngãi ước đạt 334.278 ha, gấp 2,79 lần so với năm 1989; độ che phủ rừng tăng từ 19% lên 51,9%; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác ước đạt 1.265.500 m3, gấp 85 lần.

Quảng Ngãi cũng đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu như: mì, mía, keo gắn với thu mua, chế biến hình thành các chuỗi giá trị gia tăng thông qua hoạt động sơ chế, xuất khẩu. Đáng chú ý, ngành thuỷ sản có tốc độ tăng trưởng cao. Sản lượng thủy sản đánh bắt năm 2019 ước đạt 209.000 tấn, gấp hơn 8,5 lần so với năm 1989.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá; từ năm 1987, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản - nuôi tôm sú xuất khẩu bắt đầu hình thành, phát triển; năm 2019, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 6.500 tấn gấp 21,7 lần so với năm 1989. Số lượng tàu cá không ngừng tăng lên, nhất là tàu có công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ, trang bị phương tiện hiện đại; Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, phát triển đội tàu vỏ thép, vỏ composit và vỏ vật liệu mới. Hiện toàn tỉnh có 5.138 chiếc tàu, tăng 2,5 lần số lượng tàu và công suất gấp 37 lần so với năm 1989; công suất bình quân 258CV/chiếc.

Đột phá sản xuất nông nghiệp

Ông Dương Văn Tô cho biết: Để tạo bước đột phá cho ngành nông nghiệp, Quảng Ngãi đã xây dựng Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô 190 ha tại xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây được xem là Trung tâm khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, là đầu tàu quan trọng để đưa kết quả ươm tạo, nghiên cứu vào sản xuất; tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Quan trọng hơn, thông qua Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Quảng Ngãi kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội để tiếp tục xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và cạnh tranh cao.

Về lâu dài, thông qua Đề án sẽ nghiên cứu, chọn tạo và bảo tồn được một số giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp và cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, xây dựng mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế để nhân rộng sản xuất trong tỉnh và ngoài tỉnh phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Chọn tạo giống, thử nghiệm, trình diễn và chuyển giao quy trình nuôi bò thịt, lợn thịt và gia cầm để hình thành vùng chăn nuôi lợn thịt, bò thịt, gia cầm và tiểu gia cầm đặc sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Đưa hiệu quả chăn nuôi tăng thêm 30 – 40% so với nuôi truyền thống hiện nay. Hình thành và phát triển 10 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển sàn giao dịch thương mại với các nông sản chủ lực của tỉnh…

“Để làm được điều này, Quảng Ngãi khuyến khích, tạo môi trường pháp lý thuận tiện cho các hợp tác xã và các chủ trang trại chủ động liên doanh, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài huyện bỏ vốn đầu tư, kinh doanh. Tranh thủ các nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Chuyển giao ứng dụng công nghệ, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật cho các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đảm bảo tăng trưởng ổn định, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể, duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2016- 2020 khoảng 4,1%/năm; trong đó, nông nghiệp tăng 3,3%, lâm nghiệp tăng 8,7% và thủy sản tăng 4,6%. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 59,8%, lâm nghiệp chiếm 6,8%, thủy sản chiếm 33,4% trong tổng cơ cấu kinh tế ngành. Tỷ trọng chăn nuôi đến năm 2020 chiếm 45% trong tổng cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha canh tác cây ngắn ngày đến năm 2020 đạt trên 65 triệu đồng”- ông Dương Văn Tô nhấn mạnh.