>> MB có thể “nhận chuyển giao bắt buộc” ngân hàng nào?

Đây là câu chuyện có thể nhìn nhiều góc độ với chính các ngân hàng trong cuộc và với hệ thống.

Thứ nhất, thông thường đã là “bắt buộc” – có nghĩa đây là hoạt động “bắt buộc”, có tính chỉ định, yêu cầu từ phía “trên” (cơ quan quản lý), với “dưới”, cơ quan/ đối tượng được chỉ định. Tuy nhiên, cả 3 tổ chức tín dụng đặt ra trình nội dung “nhận chuyển giao bắt buộc” trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên vừa qua như được biết, gồm Ngân hàng Quân Đội (MMBank), Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đều là 3 ngân hàng TMCP, có cổ đông đại chúng, trừ Vietcombank có yếu tố cổ đông lớn nhất chi phối là Ngân hàng Nhà nước thì mọi hoạt động đều phải tuân thủ các quy định đại chúng với ĐHĐCĐ có quyền cao nhất biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng.

VPBank là ngân hàng sau cùng trong số 3 TCTD lên kế hoạch muốn nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém

VPBank là ngân hàng sau cùng trong số 3 TCTD lên kế hoạch muốn nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém

Do đó, “bắt buộc” ở đây có thể được hiểu thêm ở cả phía tổ chức tín dụng bị chuyển giao – với 3 ngân hàng TNHH MTV 100% thuộc Nhà nước và một ngân hàng đang kiểm soát đặc biệt phải tái cơ cấu. Đó là các ngân hàng OceanBank, GPBank, CBBank và ĐôngÁ Bank.  Và NHNN, cơ quan quản lý kiêm chủ sở hữu sẽ chỉ định bắt buộc để chuyển giao một trong số các tổ chức, cho một trong số các ngân hàng được chấp thuận.

Nói cách khác, đây không phải là các tổ chức tín dụng khỏe bị “bắt buộc” nhận tổ chức tín dụng yếu kém. Tất nhiên, các tổ chức muốn được bàn “cõng” thêm các tổ chức khác, phải khỏe, phải được NHNN phê duyệt sau khi ĐHĐCĐ thông qua chủ trương. Điều này cũng khác với chuyện 3 tổ chức tín dụng yếu nhập một (như trường hợp SCB trước đây), hay một tổ chức khỏe có mối quan hệ liên quan trong kinh doanh cõng một tổ chức yếu (như trường hợp SHB nhận sáp nhập Habubank trước đây); cũng không phải trường hợp sáp nhập tự nguyện giữa 2 tổ chức tín dụng có sức khỏe bình thường (như HDBank và DaiABank).

Có lẽ nó có phần giống và khác với chuyện Vietcombank đi hỗ trợ cho CBBank khi ngân hàng này bắt buộc trở thành ngân hàng quốc doanh, xóa mối liên hệ với ông chủ Thiên Thanh và khởi động hành trình cơ cấu lại. Giống, là một ngân hàng khỏe hỗ trợ một ngân hàng yếu. Khác, là sự tiếp sức theo yêu cầu cho dù gồm cả nguồn lực hay nhân sự nếu có, cũng không phải là sự tiếp nhận chuyển giao để trở thành một tổ chức con như trường hợp mà các nhà băng đang đặt ra hiện nay.

Thứ hai, chính từ cơ sở trên, có thể thấy yếu tố “khỏe” là điều kiện tất yếu để trở thành “được chọn”. Cả Vietcombank, VPBank, MBBank đều đang trong top đầu quy mô vốn, lợi nhuận, có nguồn lực xử lý nợ xấu, CAR và CASA cao và đặc biệt hoạt động kinh doanh tích cực, gắn với nhiều đối tượng khách hàng doanh nghiệp, cá nhân từ CIB đến SME và tiêu dùng đa dạng trong nền kinh tế.

>> Thay đổi nhân sự tại OceanBank: Bình mới rượu cũ?

Ngoài ra, các ngân hàng này chắc chắn cũng phải có nhu cầu mở rộng thêm quy mô, mạng lưới, mở rộng hệ sinh thái tương ứng với năng lực “khỏe” và có chiến lược, tầm nhìn dài hạn. Việc tiếp nhận “chuyển giao bắt buộc” các tổ chức tín dụng yếu, kém có thể chưa giúp họ cộng thêm ngay như bài toán 1+1=3 mà các thương vụ M&A thông thường kỳ vọng, thậm chí ngược lại họ bước đầu còn phải san sẻ nguồn lực hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu; nhưng chắc chắn họ được lợi cả trước mắt lẫn lâu dài.

Về trước mắt, một khi nhận “chuyển giao bắt buộc” tất yếu họ cũng nhận được một số hỗ trợ ưu tiên. Tổng tài sản lớn thêm, mạng lưới rộng hơn, quy mô lớn hơn, khả năng tiếp cận phục vụ thị trường sâu rộng hơn… thì theo đó các hỗ trợ như room tín dụng, hay thậm chí nguồn tái cấp vốn… đều cũng có thể dồi dào hơn. Điều này đặc biệt có giá trị trong bối cảnh các ngân hàng được trao room tín dụng linh hoạt và nhiều tổ chức đã cạn room cho vay ngay từ quý I/2022, trong khi nhu cầu vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh vẫn được dự báo rất cao trong 3 quý còn lại của năm, và cơ quan quản lý thì sẽ không dễ dàng “bung” tiền tối đa giữa sự cảnh báo về lạm phát và tỷ lệ tăng trưởng dư nợ/ GDP của Việt Nam đã ở hàng top.

Bên cạnh đó, mặt lãi suất huy động hiện đang có dấu hiệu dâng cao với nhiều ngân hàng cùng tăng lãi suất, tăng vay mượn và huy động ở cả 2 thị trường lẫn phát hành trái phiếu. Thanh khoản, nguồn vốn dồi dào với chi phí rẻ lúc này sẽ càng là yếu tố lợi thế với những ngân hàng vừa có nội lực, vừa được hỗ trợ thêm (nếu có).

Về lâu dài, theo như các kế hoạch được cổ đông và các ngân hàng bàn thảo, tổ chức tín dụng mà các ngân hàng mong muốn nhận chuyển giao sẽ được hoạt động độc lập, tức không bị “cõng nợ” ngay vào báo cáo tài chính ngân hàng – điểm yếu nhất và cần phải xử lý tiếp tục các tổ chức kém hiện nay. Tuy độc lập nhưng với sự “bơm vốn” từ ngân hàng mẹ (ta tạm gọi theo cấu trúc sở hữu dự kiến như vậy), họ sẽ có nguồn lực để hoạt động và thậm chí tiến đến xóa cổ phần cũ (với ngân hàng không trong nhóm MTV), phát hành cổ phần mới, tái cấu trúc toàn phần và tiến đến hoạt động bình thường. Xa hơn, tiến đến các ngân hàng có thể tìm đối tác để bán vốn theo Luật định.

MBBank khởi xướng kế hoạch mong muốn nhận chuyển tổ chức tín dụng yếu kém trong mùa ĐHĐCĐ năm nay

MBBank khởi xướng kế hoạch mong muốn nhận chuyển tổ chức tín dụng yếu kém trong mùa ĐHĐCĐ năm nay

Thứ ba, nhìn chung, với các ngân hàng thì đây là kế hoạch có lợi cho chính họ và cả hệ thống. Bởi thời gian các ngân hàng yếu kém thuộc NHNN sở hữu trực tiếp đã khá lâu và khá đủ cho họ tái cơ cấu phần nào. Theo đó, đã đến lúc các ngân hàng này cần được trả về hoạt động thông thường để tiến đến tạo được bước mở nút thắt cho câu chuyện bán vốn (mà như được biết đã có những ngân hàng ngoại muốn tìm hiểu, se duyên cùng các ngân hàng này nhưng không đi đến kết quả), dần dần làm lành mạnh hóa chính các tổ chức này và toàn diện hệ thống. Theo đó, cũng sẽ không còn những ngân hàng yếu kém vẫn phải ì ạch cần nâng đỡ trong tương lai.

Nhiều người đặt câu hỏi là vậy với tính chất “bắt buộc”, chỉ định, yêu cầu, xem xét ở các phía như chúng ta vừa đặt ra, thì sẽ công bằng cho các ngân hàng cũng có sức khỏe, nguyện vọng muốn được nhận các tổ chức tín dụng theo hướng trên nhưng lại không được phê duyệt, trong khi các tổ chức khác được phê duyệt hay không? Cũng như, có gì bất lợi hay không? Tại không “bán” luôn các ngân hàng trên cho tổ chức nước ngoài khi họ có nhu cầu và thậm chí đã có đơn vị mong muốn được tiếp cận khảo sát định giá.

Trên thực tế là theo quan sát của tôi, dù có lợi ích, thậm chí có thể thu về “tiền cục” khi bán vốn tổ chức mình cơ cấu thành công trong tương lai, việc tiếp nhận chuyển giao bắt buộc này cũng không hẳn 100% hấp dẫn. Sự bất lợi nếu có, sẽ nằm ở chính quá trình chuyển giao bắt buộc giữa các tổ chức và giai đoạn hậu tái cơ cấu về sau – vì trong M&A, không một thương vụ nào có thể loại trừ 100% rủi ro. Và về phía khối các tổ chức nước ngoài nếu có nhu cầu muốn mua các TCTD này, thực tế, luật của Việt Nam chưa có khung pháp lý quy định cho trường hợp này. Ngay cả với việc bên tiếp nhận là các tổ chức trong nước thì chúng ta cũng chưa có tiền lệ. Song tin rằng là một khi đã có tiền lệ và trong thị trường nội, cơ quan quản lý sẽ có sự đồng hành, quản lý, giám sát sát sao để đạt đến mục đích hiệu quả. Cuối cùng, điều quan trọng vẫn là giá trị “cộng mấy lần” – cộng vào đâu từ thương vụ chuyển giao và nó có phù hợp với chiến lược của các ngân hàng đó hay không, thì chỉ có chính các ngân hàng trong cuộc mới có câu trả lời.

“Sẽ không có phù hợp nào giống nhau và phù hợp chung cho tất cả. Hơn nữa, việc tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu, còn đòi hỏi bản lĩnh và kinh nghiệm của tổ chức tiếp nhận, của đội ngũ những người điều hành, chèo lái và hỗ trợ phía sau. Và mặt khác chúng ta cũng biết đây mới chỉ là câu chuyện bàn chủ trương, chiến lược của các ngân hàng. Không phải chủ trương nào cũng 100% được triển khai, đúng như kế hoạch, tiến độ, lộ trình đặt ra, trong hiện thực”.