>>>DXG sẽ “tắc" vốn nếu phát hành trái phiếu quốc tế không thành công?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 948 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán của DXG chiếm hơn một nửa doanh thu với hơn 550 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp chỉ còn hơn 433 tỷ đồng, giảm hơn 61,4% so với cùng kỳ.

Ảnh hưởng khó khăn của thị trường BĐS, DXG

Ảnh hưởng khó khăn của thị trường BĐS, DXG "bay màu" hơn 87% lợi nhuận năm 2022.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp ngành bất động sản (BĐS) này chỉ đạt 34 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 86,8% so với cùng kỳ; Chi phí tài chính cũng tăng mạnh lên hơn 167 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 24,6%, chủ yếu là chi phí lãi vay. Mặc dù doanh nghiệp đã tiết giảm được phần lớn chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn ghi nhận lỗ hơn 397 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 398 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản chi phí, DXG báo lỗ hơn 407 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2022, trong khi, cùng kỳ ghi nhận lại hơn 275 tỷ đồng.

Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân do nguồn thu từ cổ tức được chia từ các công ty con trong hệ thống giảm, trong khi chi phí dự phòng các khoản phải thu tăng cao. Bên cạnh đó, là do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản dẫn đến doanh số bán hàng ở mảng dịch vụ sụt giảm trong khi công ty chưa kịp ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ các dự án công ty làm chủ đầu tư và đã triển khai bán hàng thành công.

Lũy kế cả năm 2022, DXG ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt hơn 5.581 tỷ đồng, giảm gần 45% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ đạt hơn 148 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 87% so với năm trước.

Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của DXG đạt hơn 30.771 tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 27.800 tỷ đồng, chiếm hơm 93% tổng tài sản, bao gồm 919 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm 66,4%, các khoản phải thu tăng 12,7% lên hơn 12.169 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 26,7% lên 14.238 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm tăng 12,6% so với đầu năm, lên 16.751 tỷ đồng (chiếm hơn 54,4% tổng tài sản). Trong đó, 12.777 tỷ đồng là nợ ngắn hạn. Cơ cấu nợ của DXG được cấu trúc theo hướng giảm nợ vay ngắn hạn với mức giảm 32% về 2.023 tỷ đồng. Còn nợ vay dài hạn tăng mạnh, gấp 2,5 lần so với đầu năm, lên 3.748 tỷ đồng, trong đó, nợ vay từ trái phiếu là hơn 1.788 tỷ đồng, tăng gần 370 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là hơn 14.020 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu DXG đang giao dịch quanh vùng giá

Trên thị trường, cổ phiếu DXG đang giao dịch quanh vùng giá 14.400 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 50% thị giá so với hồi tháng 8/2022 và giảm hơn 69% so với đỉnh giá hồi tháng 4/2022.

Ở một diễn biến khác, vào ngày 3/1 vừa qua DXG đã thông qua nghị quyết HĐQT về việc vay vốn Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An với số tiền 1.080 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn kinh doanh và/hoặc đầu tư dự án. Thời hạn vay là 1 năm và tự động tái tục. Lãi suất khoản vay là 8%/năm.

Đáng chú ý, vào tháng 8/2022, DXG đã thông qua kế hoạch huy động 300 triệu USD từ việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế để đầu tư mua 800 triệu cổ phần phát hành mới tại Bất động sản Hà An. Theo phương án, thời gian thực hiện là trong năm 2022 ngay sau khi công ty nhận được tiền từ việc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên sau thời điểm Nghị quyết trên ban hành, DXG vẫn chưa công bố kết quả của đợt phát hành trên.

Bất động sản Hà An hiện là công ty con do DXG nắm giữ đến 99,9% cổ phần. Doanh nghiệp này được biết đến là chủ đầu tư dự án Gem Sky World trên khu đất hơn 92 ha gần cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là dự án có quy mô hơn 4.000 sản phẩm gồm đất nền và nhà xây sẵn (nhà liền kề, nhà phố thương mại, biệt thự đơn lập và biệt thự song lập).

Trong báo cáo cập nhật ngành bất động sản mới đây, Chứng khoán SBSC nhận định, thực trạng ngành bất động sản trong nước thời gian vừa qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách siết tín dụng từ kênh ngân hàng cũng như kênh huy động vốn chủ lực của doanh nghiệp là phát hành trái phiếu.

Bên cạnh đó là các vụ bắt, điều tra sai phạm của các chủ tập đoàn bất động sản lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chung. Ngoài ra, việc các ngân hàng liên tục tăng lãi suất thời gian gần đây cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lực cầu mua nhà trên thị trường bất động sản.

Vì thế trong năm 2023, SBSC dự đoán thị trường nhà đất sẽ còn nhiều thách thức, cần một khoảng thời gian để có thể ổn định trở lại. Các doanh nghiệp sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn huy động mới đồng thời thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn cho các chủ đầu tư, cộng thêm việc niềm tin của các nhà đầu tư cần được gây dựng lại sau hàng loạt sóng gió trên thị trường trái phiếu vừa qua.

Về dài hạn, SBSC cho rằng, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, dân số ở độ tuổi lao động ở mức cao, thu nhập người dân được cải thiện. Thế nên thị trường bất động sản vẫn còn hấp dẫn nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.

“Thị trường bất động sản cần thời gian để những chính sách mới ngấm dần và giúp thanh lọc tự nhiên những doanh nghiệp yếu kém, giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, khi đấy cơ hội sẽ lại mở ra một lần nữa cũng như một chu kỳ tăng trưởng mới sẽ bắt đầu”, SBSC nhận định.