>> Vì sao công nhân mất việc vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

do khó khăn đơn hàng, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam đã chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 2.300 công nhân

Do khó khăn đơn hàng, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam đã chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 2.300 công nhân.

“Pháp bất vị thân”, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nên xét về lý, phần tiền trợ cấp mất việc cho 2,358 công nhân viên Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn quốc tế Pouchen Đài Loan) hoạt động về lĩnh vực sản xuất giày thuộc phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP HCM vào thời điểm đầu tháng 3/2023 là hoàn toàn đúng với quy định về thuế hiện hành.

Công ty Pou Yuen là công ty có lượng công nhân lớn vào bậc nhất của TP HCM với 50.563 lao động, có thời điểm lên tới gần 100.000 người. Nay do ảnh hưởng hậu Covid 19 đơn hàng sụt giảm công ty liên tục phải cắt giảm nhân sự.

Khách quan mà nói công ty Pou Yuen là công ty “chơi đẹp”, dù tình hình kinh tế biến động, việc sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn, nhưng công ty vẫn đảm bảo thưởng Tết cho công nhân viên đầy đủ. Đối với những người phải thôi việc, công ty thanh toán theo luật định và cả khoản trợ cấp mất việc.

Trong nhóm bị thôi việc, lao động thâm niên trên 20 năm chiếm 16%, khoảng 370 người. Đây là nhóm nhận hỗ trợ cao nhất, trên 300 triệu đồng mỗi người do lương căn bản hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, có trường hợp lĩnh 379 triệu đồng. Nhóm thấp nhất là 12 triệu đồng vì mới vào, chiếm 3%. Mức nhận trung bình hơn 116 triệu đồng.

Cho dù như vậy, đối tượng thuộc diện “ưu tiên cho nghỉ việc” đa phần là lao động lâu năm, thâm niên 10-20 năm. Thâm niên cao kèm nghĩa là lương cao, nên việc công ty chọn giữ lại đám công nhân tuổi nghề dưới 5 năm là hết sức khôn ngoan. Lương phải trả thấp hơn, nhân sự trẻ trung hơn, năng động cũng như năng suất làm việc cao hơn. Những người mất việc giống như miếng chanh bị vắt hết nước, họ phải đánh đổi cả cuộc đời làm việc và cả đoạn đường thất nghiệp khó khăn phía trước mà nay thu khoản thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của những người cả đời may ra có lần này được nộp thuế TNCN, nhưng là nộp kèm nỗi buồn và nước mắt. 

Thẳng thắn mà bình luận, công nhân làm việc trong các nhà máy do nước ngoài đầu tư thường làm các công việc tay chân đơn thuần, công việc mà người dân bản địa không chịu làm do đơn điệu, nhàm chán và thu nhập rất thấp. Do vậy họ mới đầu tư tại Việt Nam để tận dụng các ưu thế về nhân công giá rẻ, giá thuê đất rẻ cũng như các chính sách đãi ngộ, ưu tiên về thuế.

Còn công nhân lao động ở đây không khác gì con robot ăn theo chuông, ngủ theo ca, với mức lương “ráo mồ hôi là hết tiền”. Họ lành nghề trong việc khâu giày, dán đế, ép khuôn…, nhưng không thể mang kỹ thuật, kiến thức ấy ra ngoài đời để kiếm sống khi mất việc. Họ chỉ mong có đủ việc, thường xuyên được tăng ca, thêm giờ, làm ngày nghỉ để nhặt nhạnh thêm chút thu nhập cho bản thân và gia đình.

Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam thuộc Tập đoàn quốc tế Pou Chen Đài Loan, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất da giày. Đây là doanh nghiệp có số lao động nhất ở TP.HCM. Hiện nay, số lao động của nhà máy lên đến hơn 50.500 người

Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam hoạt động ở lĩnh vực sản xuất da giày. Đây là doanh nghiệp có số lao động nhất ở TP.HCM. Hiện nay, số lao động của nhà máy lên đến hơn 50.500 người.

>> Luật Thuế thu nhập cá nhân cần phải được sửa kỹ càng, toàn diện

>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Sao không linh hoạt?

>> Đừng để "gánh nặng" thuế thu nhập cá nhân kéo dài

Công ty đa phần là nữ do đặc tính chăm chỉ, cần cù và khéo tay, cũng như sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai… Cả thanh xuân gắn bó, nay phải rời đi, nhìn nước mắt họ rơi mà thực sự thấy buồn. Con đường mưu sinh lo cho gia đình, con cái trước mắt sẽ đi về đâu khi họ quen việc dậy từ sớm đến công ty làm việc rồi quay về nhà. Bước ra ngoài họ sẽ thấy bỡ ngỡ đến lạc lõng, tội nghiệp đến đáng thương.

Khoản trợ cấp mất việc sẽ giúp họ có thể đảm bảo cuộc sống, chuyển nghề, tìm việc, tái hoà nhập cuộc sống. Phần theo luật trước năm 2009 mỗi năm được chi trả nửa tháng lương thì không bị tính, nhưng còn khoản tiếp theo được tính là cao hơn quy định và phải nộp thuế TNCN 10%. Tuy có thể sau này làm thủ tục giảm trừ gia cảnh có thể được hoàn lại. Nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, người lao động cần ngay các khoản này chứ không muốn “thả gà ra đuổi”, để đến khi được hoàn thuế thì “chờ được vạ má đã sưng”. Mà không phải công nhân nào cũng rành thủ tục để hoàn thuế, không biết, không làm thì mất luôn quyền lợi.

Người lao động, người dân mong muốn có thể có sửa đổi quy định để cho những sự vụ tiếp theo với làn sóng cắt giảm nhân sự của các công ty hiện nay. Luật hay quy định cũng là do con người làm ra để đảm bảo lợi ích cho con người, nếu chưa phù hợp thì cần sửa đổi để sao cho thấu tình, đạt lý. Đừng để sự bất mãn trong người lao động lên cao, trong khi nỗi buồn mất việc còn đè nặng trên vai họ. Đừng để họ nói bị tận thu khi họ vào cảnh “chó cắn áo rách”, còn người ngoài cuộc cũng phải ngậm ngùi thốt lên: Thôi đừng “bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”.

Vậy người lao động muốn gì? Họ muốn các cấp thẩm quyền có ngay sự điều chỉnh sửa đổi, hướng dẫn bằng văn bản có chữ ký, con dấu đỏ, để họ không phải nộp khoản thuế TNCN này, hỗ trợ họ tìm việc, ổn định cuộc sống mới. Nếu chưa “ngay và luôn” được thì họ cần văn bản, quy trình hướng dẫn, tổ hướng dẫn giúp họ có thể làm thủ tục hoàn thuế khi đến thời điểm.

Làm công ty FDI lâu năm, người viết hiểu rõ rằng, với công nhân lao động có tuổi, việc bảo họ khai đúng một tờ khai theo mẫu là việc không hề dễ dàng gì chứ đừng nói để họ tự đi làm thủ tục hoàn thuế TNCN.

Những người có trách nhiệm hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động, liệu họ còn tồn tại được đến lúc đi hoàn thuế hay không? Hãy mạnh dạn sửa đổi, mở đường cho người kế tiếp, đó chính là sự thể hiện của Chính phủ vì dân.