>> Thu thuế thu nhập cá nhân người mất việc: Đạt lý nhưng có thấu tình?

do khó khăn đơn hàng, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam đã chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 2.300 công nhân

Do khó khăn đơn hàng, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam đã chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 2.300 công nhân.

Mới đây, khoảng 2.300 công nhân của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam bị mất việc do Công ty thiếu đơn hàng nhưng vẫn bị khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trên số tiền được hưởng trợ cấp đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, trong đó phần lớn cho rằng cơ quan thuế nên xem xét lại việc tạm thu thuế TNCN với số tiền trợ cấp mất việc vì không nhân văn. Phía Công ty Pou Yuen cho biết, việc thu thuế này giống như cách đây ba năm công ty cắt giảm hàng nghìn công nhân. Lúc đó doanh nghiệp có văn bản hỏi Cục Thuế TP.HCM, được trả lời khấu trừ thuế là bắt buộc. Công ty thu tiền để nộp cho ngành thuế. Sau này khi làm thủ tục giảm trừ gia cảnh, công nhân sẽ được hoàn lại.

Còn đại diện Cục thuế TP.HCM cho biết căn cứ quy định hiện hành, chỉ có khoản trợ cấp thôi việc chi trả theo Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế. Với lao động Pou Yuen, công ty đã trả một khoản ngoài quy định nên phải tính vào phần thu nhập chịu thuế. Nếu khoản trợ cấp từ 2 triệu đồng trở lên và được chi trả sau thời điểm kết thúc hợp đồng, lao động bị khấu trừ 10%.

Khách quan hơn, Chuyên gia tư vấn về thuế, ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM) cũng giải thích: “Nếu Công ty đã tham gia Bảo hiểm xã hội đầy đủ, trong đó có Bảo hiểm thất nghiệp, theo quy định của Bộ Luật lao động 2012 thì Công ty không có nghĩa vụ phải trả trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc trong thời gian người lao động đã tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (từ năm 2009 đến nay). Riêng khoản tiền Công ty hỗ trợ cho người lao động thực chất là khoản trợ cấp thêm nên theo quy định vẫn được tính chung vào thu nhập. Khi thu nhập cao hơn mức chịu thuế thì người lao động vẫn phải đóng thuế TNCN”.

Đành rằng, đóng thuế TNCN là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công nhân. Thu nhập cao thì phải chịu thuế, điều này là hoàn toàn hợp lý, không có gì phải bàn cãi. Tuy vậy, việc Công ty PouYuen trả trợ cấp mất việc cho công nhân là rất nhân văn. Vì trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện dù luật có quy định. Có khoản trợ cấp, công nhân an tâm hơn trong những ngày chưa có việc làm và là động lực để họ tiếp tục tìm một công việc mới mà không phải lo chuyện thu nhập.

Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam thuộc Tập đoàn quốc tế Pou Chen Đài Loan, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất da giày. Đây là doanh nghiệp có số lao động nhất ở TP.HCM. Hiện nay, số lao động của nhà máy lên đến hơn 50.500 người

Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam thuộc Tập đoàn quốc tế Pou Chen Đài Loan, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất da giày. Đây là doanh nghiệp có số lao động nhất ở TP.HCM. Hiện nay, số lao động của nhà máy lên đến hơn 50.500 người.

>> Mất việc vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân: Chỉ tạm... khấu trừ?

>> Luật Thuế thu nhập cá nhân cần phải được sửa kỹ càng, toàn diện

>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Sao không linh hoạt?

Chính vì thế, việc truy thu thuế cá nhân đối với những công nhân bị cho thôi việc để nộp lại cho Cục thuế khiến dư luận hết sức băn khoăn và cho rằng cơ quan thuế nên xem xét lại, cần miễn thuế cho người lao động bị mất việc.

Trải lòng của một công nhân, nhưng cũng là nỗi niềm của nhiều người lao động khác, rằng: “Nếu được chọn giữa nhận một khoản tiền bị mất việc hoặc tiếp tục công việc thì tôi vẫn muốn làm việc lại. Bởi khi thay đổi môi trường mới sẽ rất khó khăn và chắc chắn cũng sẽ có sự xáo trộn không nhỏ trong cuộc sống. Việc nhận tiền trợ cấp mất việc này cũng chỉ trang trải được một thời gian, vậy mà còn bị trừ thuế 10%, theo tôi thì chưa hợp tình. Nguyên nhân vì người lao động rơi vào cảnh mất việc đã là một thiệt thòi lắm rồi”.

Tức là, về lý thì cơ quan thuế hoàn toàn đúng nhưng nếu xét về tình thì còn “lợn cợn”, chưa hợp tình. Bởi theo chia sẻ của một số công nhân, số ít có thể biết được là sẽ nhận lại được tiền sau khi làm thủ tục giảm trừ gia cảnh. Không phải đánh giá thấp nhưng với những người ngoài 40, từ 15 – 20 năm gắn bó với Công ty chứng tỏ họ đi làm từ sớm thì việc cập nhật những kiến thức này hoàn toàn xa vời. Mà trong khi đó với những người công nhân quyết định trở về làm nông dân thì 10% cũng không hề nhỏ. Luật pháp có quy định, nhưng cũng cần có sự linh động. Ít nhất là những đề xuất sửa đổi luật để phù hợp với thực tế.

Đáng nói ở chỗ, liên quan đến vấn đề thất nghiệp, mất việc của công nhân tại Công ty PouYuen, nhiều cơ quan chức năng của TP.HCM cũng đã có nhiều kiến nghị với Cục Thuế TP.HCM và Tổng Cục thuế cân nhắc, xem xét về vấn đề này, nhưng sự việc cũng chỉ dừng ở đó. Trong khi ở thời điểm hiện tại số lượng công nhân bị thôi việc rất lớn và hiện tại chính quyền thành phố cũng đã có những chính sách rất lớn để hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp. Vì thế để những nỗ lực của toàn thành phố bị cuốn đi bởi một vài chuyện thật là điều không đáng có!

Điều này cũng có nghĩa, đối với những người lao động bị nghỉ việc và được Công ty trợ cấp thì nên xem xét lại bởi hầu hết đây là người có thu nhập thấp. Đồng thời, những bất cập về luật thuế TNCN thấy rõ và trong khi chờ sửa luật, như trường hợp của Công ty PouYuen Việt Nam hiện nay, cơ quan thuế cũng cần phải xem xét để áp dụng linh hoạt.