Được coi như “quốc hồn quốc túy” của món ăn vặt thủ đô, đây được xem là thương hiệu lâu năm nhất về mặt hàng Kem tại Việt Nam. Người ta hay nói “Ăn Bắc, mặc Nam”, và Kem Tràng Tiền không thể phù hợp hơn, khi nó là sản phẩm gây được tiếng vang với khách du lịch thập phương. Sở hữu nhiều hương vị cơ bản, cùng với đó là chất lượng trứ danh ngon xuất sắc, kem Tràng Tiền đã sở hữu cho mình lượng khách cực kỳ lớn kể cả vào mùa Đông rét buốt.

Kem Tràng Tiền có sự hấp dẫn giản dị nhưng khiến người ta nhớ mãi.

Kem Tràng Tiền có sự hấp dẫn giản dị nhưng khiến người ta nhớ mãi.

Bị "đe dọa" bởi hàng nhái

Kem Tràng Tiền thành lập năm 1958. Sở dĩ có tên "Tràng Tiền" là bởi kem được bán và sản xuất ở phố Tràng Tiền, lần đầu tiên là tại số nhà 35 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Người nắm giữ công thức pha chế kem Tràng Tiền từ năm 1961 đến năm 1993 là ông Khánh. Ông được học lớp làm kem một tháng do ngành ăn uống mở nhưng ông có năng khiếu về món này. Thế nên chỉ sau một thời gian ngắn làm kỹ thuật, ông đã nắm được gu của người Hà Nội, kem không được quá ngọt, không quá cứng và nếu kem cốm thì phải thơm dịu, kem sôcôla phải có vị hơi đăng đắng còn kem sữa phải mềm lưỡi...

Từ đó ông tìm ra công thức cho từng loại kem và phổ biến cho cả tổ. Nhưng cái giỏi của ông Khánh là ngay cả khi nguyên liệu không đạt chuẩn như bột nếp không thơm, cốm quá già hết đường trắng chỉ còn đường đỏ nhưng ông cũng tìm ra được công thức để cho ra cây kem ngon nhất.

Tràng Tiền sản xuất khá nhiều các loại kem như: Sữa, dừa, sôcôla, cà phê, đậu xanh... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là kem cốm. Cho đến hôm nay, kem Tràng Tiền luôn luôn trong tình trạng phải xếp hàng. Người ăn kem chật cứng gần cả trăm mét vuông vỉa hè cũng là chuyện có thể ghi vào kỷ lục Việt Nam. Có người thích kem Tràng Tiền nói quá "Phi thực kem Tràng Tiền bất thành người Hà Nội".

Ngày 31/12/2013, Kem Tràng Tiền được ghi nhận là "Công ty con" của OCH. Sau nhiều lần chuyển nhượng, hiện tại kem Tràng Tiền thuộc Công ty CP Kem Tràng Tiền.

Chia sẻ bí quyết giúp Kem Tràng Tiền dễ  dàng chinh phục thực khách, Ông Hà Trọng Nam -  Tổng giám đốc Công ty CP Kem Tràng Tiền cho biết, kem được sản xuất bằng những loại nguyên liệu chất lượng mang đậm hương vị truyền thống, như cốm làng vòng, bột đậu xanh nguyên chất, sữa đặc của Vinamilk và các nguyên liệu nhập ngoại như bột cacao, sữa bột béo của Newzeland.…

Kem Tràng Tiền được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, không sử dụng chất bảo quản, thời hạn sử dụng ngắn nên các sản phẩm đến tay người tiêu dùng luôn tươi ngon và giữ được hương vị đặc trưng của từng loại sản phẩm. Đặc biệt, công ty luôn chú trọng đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2005 và Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2004. 

Tuy nhiên, cũng theo ông Nam, hiện tại, có rất nhiều kem giả - nhái kem Tràng Tiền. Tính trên thị trường có khoảng 20 nhãn hiệu vi phạm.

Bảo vệ thương hiệu Kem Tràng Tiền không đơn giản là bảo vệ một nhãn hàng mà còn là bảo vệ một nét văn hóa đặc sắc, tinh tế của ẩm thực thủ đô.

"Đuối sức" với đối thủ

Theo năm tháng, Kem Tràng Tiền đã trở thành thương hiệu ẩm thực nổi tiếng, uy tín và là một nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đối với giới tài chính, ngoài giá trị về mặt thương hiệu, họ đánh giá cao giá trị của CTCP Tràng Tiền (đơn vị nắm thương hiệu Kem Tràng Tiền) nhờ mảnh đất "vàng" 1.300 m2 giữa lòng Thủ đô - vốn ồn ào với màn thâu tóm của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) của đại gia lừng danh một thời Hà Văn Thắm.

Về tay Ocean Group, Kem Tràng Tiền đã có những chuyển biến đáng chú ý. Ông Hà Văn Thắm từng chia sẻ, khi mua lại vào năm 2008, doanh số công ty chỉ có 12 tỷ/năm nhưng đã tăng lên 100 tỷ trong năm 2013, lợi nhuận theo đó đạt khoảng 25 tỷ đồng. Kem Tràng Tiền cũng đã mở rộng địa bàn bao gồm 24 đại lý trực thuộc công ty; 10 hệ thống cửa hàng tại Hà Nội và 2 cửa hàng tại TP.HCM.

Tuy nhiên, thương hiệu kem truyền thống của Hà Nội hiện đang chịu cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ cả trong và ngoài nước, như Kido, Vinamilk, TH Truemilk hay Unilever, Nestlé... Theo báo cáo của Euromonitor, thị phần ngành kem và món tráng miệng đông lạnh của Kem Tràng Tiền đã giảm về còn 4,5% trong năm 2017, từ 5,7% năm 2013.

Bên cạnh đó, với chiến lược chỉ bán ở một địa điểm duy nhất là trên con phố Tràng Tiền, ngay trung tâm thủ đô, qua bao nhiêu năm, thương hiệu này cũng chỉ có một cơ sở duy nhất. Đây lại là “con dao hai lưỡi” chặn đứng bước phát triển của hãng. Khi mà các thương hiệu khác mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình bằng các điểm phân phối thì Kem Tràng Tiền lại tự bó buộc mình bằng cách định vị trong tâm trí khách hàng rằng, chỉ có địa chỉ 35 Tràng Tiền là “hàng chuẩn”.

Mặc dù hiện tại, hãng cũng đã triển khai những cửa hàng ở nhiều địa điểm khác nhau theo hình thức nhượng quyền (Franchise), nhưng điều đó chưa tạo được thành công như mong muốn, và giờ bài toán phải giải với thương hiệu này là làm sao có thể đẩy “phân phối trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh nhau khá khốc liệt”.