Đây là chia sẻ của ông Trần Văn Trọng – Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Thưa ông, thị trường TMĐT trong năm 2023 sẽ phát triển như thế nào khi có sự chênh lệch về quy mô và tốc độ giữa các địa phương?

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam đã được VECOM công bố, TMĐT đang chênh lệch rất lớn cả về tốc độ và quy mô giữa hai thành phố đầu tàu là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với 61 tỉnh thành còn lại. TP.HCM tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2022 với 90,6 điểm (tăng gần 23 điểm so với con số 67,6 của năm trước). Hà Nội ở vị trí thứ 2 với 85,9 điểm. Tuy nhiên, các địa phương khác chỉ đạt khoảng 20,4 điểm, có tới 38 địa phương đạt điểm dưới trung bình trong đó có Tuyên Quang với 9,2 điểm. Điều này phản ánh khoảng cách chỉ số giữa các địa phương còn rất xa.

Trên thực tế, thu hẹp khoảng cách TMĐT giữa các tỉnh, thành phố vẫn luôn là một trong những thách thức lớn tại Việt Nam. Nhận thức được điều đó, đã có nhiều chính sách, hoạt động thực tiễn của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp để thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất ở địa phương tiếp cận và ứng dụng TMĐT. Hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2023, kéo theo các xu hướng phát triển chủ đạo:

Thứ nhất, song hành cùng tốc độ phát triển của TMĐT, hoạt động thanh toán online hiện nay ngày càng được người tiêu dùng tin cậy hơn, đông người dùng hơn, giá trị mỗi giao dịch lớn hơn. Điều này một phần cũng do nhận thức và kỹ năng tham gia TMĐT của cộng đồng đã được hoàn thiện rất nhiều. Năm 2023 xu hướng thanh toán trực tuyến trong TMĐT sẽ tiếp tục phát triển với nhiều cách thức mới thuận tiện hơn phục vụ cho hoạt động tiêu dùng trực tuyến.

Thứ hai, xuất nhập khẩu truyền thống trong vài năm trở lại đây đang gặp những rào cản lớn làm giảm tốc độ tăng trưởng, do đó xu hướng ứng dụng xuất nhập khẩu trực tuyến trong doanh nghiệp năm 2023 sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn nữa.

Ngoài ra, một số xu hướng khác nữa sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới như: Giải quyết tranh chấp trực tuyến và bảo vệ người tiêu dùng được các cơ quan nhà nước chú trọng mạnh hơn, những doanh nghiệp hàng đầu về TMĐT bắt đầu quan tâm tới vấn đề môi trường trong TMĐT…

- Theo đó, xu hướng của người dùng sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?

“Báo cáo làn sóng thứ 2 của Thương mại điện tử” của VECOM đã đánh giá tác động của đại dịch COVID tới hoạt động TMĐT và đưa ra nhận định: Người tiêu dùng trực tuyến sau đại dịch tiếp tục tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Năm 2023, hai xu hướng vẫn tiếp tục duy trì và phát triển: Thứ nhất, người tiêu dùng mua nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên; Thứ hai, đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.

Với tốc độ tăng trưởng khoảng 20-30% trong nhiều năm trở lại đây, quy mô thị trường TMĐT trong năm 2023 chắc chắn sẽ tiếp tục tăng nhanh với sức mua sắm hàng hóa trực tuyến ngày càng nhiều, ta cũng có thể dễ dàng tìm kiếm vô vàn hàng hóa sản phẩm trên môi trường trực tuyến từ những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, hàng hóa nông lâm thủy sản, những dịch vụ hoặc nội dung số… hay những sản phẩm có giá trị thấp từ vài nghìn đồng cho tới những sản phẩm hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng trên môi trường số.

- Những khuyến nghị nào được đưa ra để tạo thêm đà phát triển cho những xu hướng này, thưa ông?

Để thị trường TMĐT 2023 tiếp tục phát triển, chúng tôi khuyến nghị các đơn vị nên chú trọng tận dụng cơ hội qua những những cơ chế chính sách đang có nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT mà Nhà nước ta đã ban hành.

Nổi bật là hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT được chú trọng đẩy mạnh với mục tiêu 2025: 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về TMĐT; 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT;… Những vấn đề này đều được thể hiện rõ trong Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Cùng với đó, Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục đề cao việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và TMĐT, đây là tiền đề cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong những năm gần đây cũng như giai đoạn tới.

Ngoài ra, những hành lang thuận lợi cho hoạt động kinh doanh TMĐT thời gian tới được thể hiện trong một số văn bản pháp luật mới đã ban hành trong năm 2022 như Nghị định 91/2022/NĐ-C hay Dự thảo Nghị định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT cũng được xây dựng trên tinh thần tích cực tiếp thu góp ý của doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!