Ông Putin định làm gì với kế hoạch hạt nhân tại Belarus?

Nga vừa tuyên bố triển khai kế hoạch hạt nhân tại Belarus

>> Hệ lụy với châu Âu khi Nga đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus

Tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin ngày 25/3 về việc triển khai tên lửa hạt nhân tới Belarus đã khuấy động giới an ninh châu Âu. Động cơ nào đã thúc đẩy lãnh đạo Nga đưa ra tuyên bố này?

Lời đe dọa phương Tây

Bác bỏ những lo sợ một cuộc chiến tranh hạt nhân đang gần kề, nhiều chuyên gia cho rằng tuyên bố nói trên của Nga có thể  chỉ là những lời đe dọa đối với phương Tây.

Thứ nhất, việc đưa vũ khí hạt nhân đến Belarus không mở rộng tầm bắn của Nga tới các mục tiêu mới, như phân tích mới đây của Viện Nghiên cứu Chiến tranh.

Thứ hai, các thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước không có gì mới, và hai nước đã có nhiều liên kết quân sự chặt chẽ từ trước đó.

Chính các quan chức cấp cao Mỹ thừa nhận không có thông tin tình báo hay dấu hiệu nào cho thấy Nga thực sự đang có ý định di chuyển đội quân hạt nhân trong thời gian tới.

Trên thực tế, Nga vẫn chưa “tuyệt vọng” tới mức phải sử dụng đòn đánh này, nhưng họ cần một sự răn đe đủ mạnh để các đối thủ phải dè chừng không đi những bước sai lầm trong can dự tình hình ở Ukraine.

Với động thái hạt nhân mới nhất, các quốc gia đồng minh của Ukraine sẽ không thể ngồi yên. Bà Heather Williams, Giám đốc Dự án về các vấn đề hạt nhân của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết ý định của ông Putin là tái khẳng định cam kết của Nga trong cuộc chiến. “Đây là cách ông Putin nói rằng ông ấy có nhiều lợi ích ở Ukraine hơn là NATO”, bà Heather Williams nhấn định.

Hay ông Dalibor Rohac, một thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng nếu không có nỗi lo vũ khí hạt nhân, phương Tây có lẽ đã cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn ngay từ đầu.

Hay là một cách đánh lạc hướng của Moscow?

Một số chuyên gia khác cho rằng, việc khiến cả thế giới chú ý vào lực lượng hạt nhân Nga là một cách để ông Putin đánh lạc hướng khỏi những diễn biến trên chiến trường Ukraine.

Theo lý giải của phương Tây và Ukraine, Tổng thống Nga đang chịu bất lợi trên chiến trường, đặc biệt là ở Bakhmut, do đó ông muốn “chữa cháy” bằng những lời đe dọa như vậy. Nga và Ukraine đều không đạt được nhiều tiến bộ trên chiến trường Bakhmut, bất chấp việc họ đã tổn thất không nhỏ về người và đạn dược trong những tuần gần đây.

Thế nhưng, việc đưa ra tuyên bố này ngay sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm cấp cao tới Nga cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về ảnh hưởng của Bắc Kinh đến quyết định này.

Trung Quốc và Nga đã đạt được những thỏa thuận nào để kết thúc chiến tranh?

Trung Quốc và Nga đã đạt được một số thỏa thuận trong chuyến thăm vừa qua tại Moscow.

Ngay trước tuyên bố này, hai nước đã tuyên bố “tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân nên kiềm chế triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài”, và hành động của Moscow khiến cam kết của hai nước trở nên mâu thuẫn.

Ông Tariq Rauf, cựu chuyên gia về hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cho biết: “Tuyên bố của ông Putin khiến người ta nghi ngờ về kết quả cuộc gặp của ông ấy với Tập.

>> Toan tính của Tổng thống Ukraine với Trung Quốc

Nghi ngờ về việc Nga và Trung Quốc đã không đạt được một số hợp tác quan trọng tiếp tục tăng lên khi mới đây Mỹ đưa ra các bằng chứng cho thấy Nga đang đổi lương thực để lấy vũ khí từ Bắc Triều Tiên. Đây là thông tin được người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Kirby đưa ra ngày hôm qua, trong đó ông cho biết một nhà môi giới vũ khí người Slovakia đã tiết lộ về một thỏa thuận hoán đổi vũ khí và lương thực giữa Moscow và Bình Nhưỡng.

Dù nỗi lo chiến tranh hạt nhân có thể chưa cấp thiết, nhưng rõ ràng các động thái mới đây của Moscow đang khiến các bên liên quan cảm thấy khó đoán trước các suy tính tiếp theo của ông Putin trong cuộc chiến với Ukraine.

Lời nhắc nhở về ảnh hưởng của Nga

Một khía cạnh khác thấy được từ tuyên bố của ông Putin, đó là ảnh hưởng không thể bàn cãi của Moscow đối với Belarus. Theo các nhà quan sát, quyết định chuyển vũ khí hạt nhân vào Belarus cho thấy giới lãnh đạo ở Minsk có "rất ít quyền tự quyết" trong mối quan hệ với Nga.

Belarus là một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga tại châu Âu. Chính quyền Tổng thống Alexander Lukashenko cho phép Nga đóng quân trên lãnh thổ nước này trong bối cảnh diễn ra chiến sự Nga- Ukraine.

Đây có thể được xem như lời cảnh báo của ông Putin rằng Nga có những đồng minh quan trọng để triển khai các chiến lược phòng vệ trước động thái mở rộng NATO. Phần Lan, Thụy Điển đã bày tỏ mong muốn gia nhập liên minh quân sự này sau khi chiến sự Nga – Ukraine diễn ra, càng khiến nghi ngại giữa hai phía trở nên trầm trọng.