Hiện nay, giá chào bán gạo Việt Nam đang dẫn đầu giá xuất khẩu gạo 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn, vượt qua cả giá gạo của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan với mức từ 4 - 40 USD/tấn.

Cùng với đó, nhiều tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo của Việt Nam như việc các quốc gia nhập khẩu khác, như Mỹ bắt đầu tăng nhập khẩu gạo. Đây là cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu gạo Châu Á, trong đó có Việt Nam khi gạo nhập khẩu hiện chiếm khoảng 30% tổng lượng gạo được tiêu thụ tại Mỹ.

>>> Gạo Việt "rộng cửa" vào Philippines

Ðóng gói gạo xuất khẩu sang thị trường Liên hiệp châu Âu tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An

Một dây chuyền đóng gói gạo xuất khẩu sang thị trường Liên hiệp châu Âu của doanh nghiệp Việt Nam

Ở góc độ sản xuất các sản phẩm phân bón hữu cơ và các sản phẩm sinh học, xây dựng quy trình cho từng nhóm cây trồng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Green Stars cho biết: Trong thời gian vừa qua, Green Stars cùng với cơ quan quản lý ngành Nông nghiệp một số tỉnh, thành triển khai vùng sản xuất lúa an toàn không dư lượng.

“Qua thời gian thực hiện tại các tỉnh khác nhau và các vụ canh tác khác nhau thì chi phí đầu tư của bà con nông dân bình quân giảm 10 - 15% tùy vào từng vùng canh tác, từng vụ, bình quân lợi nhuận của bà con tăng 8 - 10%", ông Tuấn nêu kết quả.

>>> Xây dựng thương hiệu gạo Việt: Cốt lõi vẫn là chất lượng

Ông Nguyễn Anh Tuấn, TGĐ Green Stars

Ông Nguyễn Anh Tuấn, TGĐ Green Stars

Tuy nhiên, có một vấn đề được ông Nguyễn Anh Tuấn chỉ ra là: trong quá trình thực hiện có những khó khăn tương đối giống nhau qua các vùng canh tác. Trong đó các vấn đề như: thói quen canh tác truyền thống khó thay đổi để chuyển từ sử dụng các sản phẩm hóa chất sang các chế phẩm sinh học để bảo vệ sức khoẻ và môi trường…

 

Cùng với đó, việc thu mua sản phẩm đầu ra cho nông dân còn khá là khó khăn, chưa ổn định do chưa có doanh nghiệp mạnh dạn đứng ra bao tiêu hoặc diện tích canh tác nhỏ lẻ dẫn đến phải bán ra bên ngoài cho thương lái.

“Green Stars mong muốn được gắn kết với các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu lúa gạo để tạo niềm tin và ổn định cho bà con nông dân yên tâm sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao cho thị trường và xuất khẩu”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với Tổng giám đốc Green Stars, TS. Lê Quý Kha, đại diện Công ty cổ phần Đại Thành cho biết, hiện nay, phân bón hữu cơ đang có nhu cầu cao ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sử dụng phân hữu cơ làm giảm tỷ lệ mắc sâu bệnh, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên nông dân Nam bộ rất ưa chuộng.
Ông Kha đánh giá việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trong sản xuất lúa gạo là lựa chọn tối ưu, đồng thời cũng giới phải nhắc tới những giải pháp tối ưu khi áp dụng các sản phẩm như máy bay không người lái (Drone), máy sạ cụm... “Thực tế, đầu tư máy móc mang lại lợi nhuận cao hơn hàng chục lần so với làm thủ công truyền thống”, TS Lê Quý Kha khẳng định.

Thông tin về xuất khẩu gạo vào các thị trường lớn, ông Nguyễn Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng I, cho biết: Gạo Viể xuất khẩu sang Philippines đạt khoảng 2,5 triệu tấn (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021), Trung Quốc hơn 626.000 tấn (giảm 26%), Côte d'Ivoire gần 547.000 tấn (tăng gần 89%); các thị trường khác như Malaysia, Indonesia, Papua New Guinea cũng đều tăng nhập khẩu so với năm 2021.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, các nước châu Phi trong những tháng tới dự báo sẽ sôi động hơn do ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

TS. Lê Quý Kha

TS. Lê Quý Kha - Công ty cổ phần Đại Thành

Tình trạng thời tiết mưa bão, lũ lụt tại các nước xuất, nhập khẩu gạo lớn cũng như nhu cầu nhập khẩu chuẩn bị cho thời điểm năm mới cũng là những lý do để nhận định giá lúa gạo nội địa dự báo sẽ giữ vững hoặc nhích nhẹ trong thời gian tới.
Có thể thấy, Trung Quốc cũng là một thị trường rất tiềm năng của Việt Nam khi quốc gia đông dân nhất thế giới mỗi năm cần nhập khoảng 5,3 triệu tấn gạo. Hiện Việt Nam cũng đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp.

Tuy vậy, đánh giá về thị trường xuất khẩu này, TS. Lê Quý Kha đại diện Công ty cổ phần Đại Thành cho rằng thị trường Trung Quốc đang ngày càng khó tính, “nếu không lồng ghép các giải pháp sinh học đồng bộ, sẽ khó có cửa vào thị trường này”, ông nhấn mạnh.

Để tối ưu hóa sản xuất tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, ông Kha cũng chia sẻ việc Công ty cổ phần Đại Thành đã đưa được rất nhiều các giải pháp.

Theo ông Kha, nên áp dụng các nguyên tắc như: Sử dụng giống có tính chống chịu cao có thể canh tác rất phù hợp trên các đất lúa tôm, lúa rươi; Các biện pháp canh tác thông minh như dùng máy bay không người lái, trạm giám sát thông minh, truy xuất nguồn gốc để tăng tính minh bạch,... mới có thể đáp ứng các yêu cầu của phía Trung Quốc.

Bên cạnh đó, công ty cũng sử dụng hữu cơ vi sinh để đạt được các tiêu chuẩn VietGAP, giảm thuốc trừ sâu và đặc biệt là việc kết nối chuỗi giá trị - xuất khẩu...

>>> Bước ngoặt cho lúa gạo Việt Nam

Đặc biệt, TS Lê Quý Kha cũng nhấn mạnh các máy bay không người lái mà công ty áp dụng được quân đội quản lý, tất cả các chuyến bay đều được ghi chép. Chính vì vậy nên khi cần dữ liệu về tổng diện tích bay, thời gian thực bay và thậm chí dữ liệu đầu tư phân bón, rải phân, giống,... đều có thể trích xuất lại để tính toán ra số liệu thực.

Đây cũng là những giải pháp được các chuyên gia khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất khác có thể nghiên cứu và áp dụng để có thể tối ưu hóa sản xuất của doanh nghiệp mình, mang đến các giải pháp phát triển bền vững, tạo được niềm tin với các bạn hàng quốc tế, tận dụng cơ hội, tăng giá trị xuất khẩu cho gạo Việt Nam sang các thị trường khó tính.