Triển vọng khó khăn kinh tế của Trung Quốc và Nga sẽ khiến cuộc đấu của hai nước này trong việc đòi quyền lực trong các định chế tài chính của hệ thống Bretton Woods (BW) trở nên khó khăn hơn.

 Việc Mỹ và EU loại nhiều ngân hàng lớn của Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) có thể giáng đòn lên nền kinh tế Nga và nhiều nền kinh tế lớn khác.

Việc Mỹ và EU loại nhiều ngân hàng lớn của Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) có thể giáng đòn lên nền kinh tế Nga và nhiều nền kinh tế lớn khác.

>> Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ II): Cục diện hậu chiến sự Nga - Ukraine

Thế khó của Trung Quốc

Với triển vọng khó khăn về kinh tế trong nước và căng thẳng với Mỹ và phương Tây, Trung Quốc khó có khả năng có thêm quyền lực ở IMF. Còn tại WB, Trung Quốc cũng khó có bước tiến đáng kể nào khi phải đối mặt với khó khăn kinh tế trong nước, khiến nguồn lực dành cho các dự án thuộc BRI ở nước ngoài bị suy giảm đáng kể.

Khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Trung Quốc dường như đã có chuẩn bị cho hướng này khi thành lập Hệ thống Thanh toán liên Ngân hàng xuyên Biên giới (CIPS) dành riêng cho đồng NDT vào năm 2015. Theo đó, nền tảng này hoạt động dựa trên SWIFT nhưng đồng tiền giao dịch không phải là USD hay EUR hay JPY… mà là đồng NDT.

Dù NDT đã được IMF công nhận trở thành đồng tiền quốc tế, nhưng tỷ trọng của nó với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế vẫn rất nhỏ, do đó tỷ trọng giao dịch của NDT qua SWIFT cũng rất nhỏ. Tính đến tháng 4/2022, USD chiếm 41,8% giao dịch qua SWIFT, trong khi NDT chỉ 2,1%.

Điều này tương ứng với so sánh tỷ trọng dự trữ ngoại hối và giao dịch thương mại quốc tế giữa các đồng tiền. Đối với tỷ trọng trong dự trữ quốc tế thì đồng NDT chỉ chiếm 2,8% so với mức 58,8% của USD (tính đến hết quý IV/2021). Còn tỷ trọng trong giao dịch thương mại quốc tế thì NDT chỉ chiếm 4,8% trong khi USD chiếm tới 88,3%.

Về quy mô khách hàng thì SWIFT có 11.000 định chế tham gia, trong khi CIPS chỉ có 1.304 định chế tham gia (tính đến hết tháng 3/2022). Quan trọng, hơn 80% giao dịch của CIPS phải dựa vào dịch vụ gửi tin của SWIFT. Trong khi SWIFT giao dịch 24/7 thì CIPS chỉ giao dịch 12/5.

Như vậy, CIPS không thể thay thế được SWIFT và Trung Quốc vẫn không dám thách thức lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây thông qua SWIFT.

>> Trật tự kinh tế thế giới mới (Kỳ I): Vòng xoáy xung đột và phân rã

Khó thoát Mỹ và phương Tây

Về mặt tiền tệ, NDT vẫn không thể thay thế được USD. Dù Trung Quốc đa dạng hóa dự trữ ngoại hối thì vẫn khó tránh khỏi cấm vận tiền tệ vì vẫn phải dùng các đồng tiền của các đồng minh của Mỹ. Việc Nga bị cấm sử dụng hơn 300 tỷ USD trong số 600 tỷ USD ngoại hối là một kinh nghiệm đáng phải xem xét đối với Trung Quốc.

Trung Quốc đang nỗ lực nâng cao vị thế đồng NDT trên thị trường quốc tế.

Trung Quốc đang nỗ lực nâng cao vị thế đồng NDT trên thị trường quốc tế.

Trung Quốc đã nỗ lực giảm tỷ trọng đồng USD trong quỹ dự trữ ngoại hối từ 79% năm 1995 xuống còn 59% năm 2016. Nỗ lực này của Nga còn lớn hơn nhiều khi dự trữ bằng USD hiện chỉ ở mức 7%. Tuy nhiên, Nga vẫn bị cấm vận nặng nề vì các đồng tiền khác mà Nga thay thế vẫn là các đồng tiền của các đồng minh của Mỹ.

Một yếu tố khác có thể cho biết triển vọng trong tương lai về khả năng Trung Quốc có thể độc lập trong thanh toán quốc tế mà không qua SWIFT là ở chỗ liệu Trung Quốc có làm chủ được giao dịch quốc tế nhờ hệ thống máy chủ của mình?

Về mặt công nghệ, việc tự cung máy chủ lại lệ thuộc rất nhiều vào việc khả năng tự chủ sản xuất chip bán dẫn. Tuy nhiên, chip do Trung Quốc sản xuất còn thua kém xa so với chip do Mỹ và phương Tây sản xuất và hiện Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu trong nước. Do đó, rủi ro địa chính trị có thể khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương.

Tóm lại, các định chế của hệ thống BW vẫn thuộc quyền lãnh đạo của Mỹ, phương Tây; còn Trung Quốc vẫn chưa thể chống lại được những đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây trong lĩnh vực này.

Thế lực lãnh đạo trật tự kinh tế thế giới

Trật tự kinh tế thế giới hiện nay, hay còn gọi là hệ thống Bretton Woods, được Mỹ và phương Tây thành lập từ sau Thế chiến thứ 2 có vai trò lớn đem lại sự thịnh vượng cho kinh tế thế giới kể từ khi nó ra đời cho đến nay.

Sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ và các đồng minh phương Tây được duy trì liên tục là yếu tố quyết định quyền lực lãnh đạo hệ thống của họ.

Tuy nhiên, hệ thống này bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt kể từ năm 2008 khi mà Mỹ và phương Tây lâm vào khủng hoảng, trong khi Trung Quốc trở thành thế lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chính quyền Trump đã tiên phong thực thi chính sách phân rã và cô lập Trung Quốc nhằm bảo vệ hệ thống BW trước sự đe dọa làm thay đổi nó theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

COVID-19 là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi theo nghĩa khiến thế giới nhận thấy cách hành xử của Trung Quốc là không tốt cho thế giới. Điều này giúp Mỹ, đặc biệt dưới thời Tổng thống Biden, đoàn kết được các đồng minh trong một mặt trận nhằm chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Nỗ lực này của Mỹ và phương Tây được xem là đang tạo ra quá trình cô lập nền kinh tế Trung Quốc.

Cuộc chiến Nga– Ukraine là biến cố địa chính trị nhưng lại là yếu tố góp phần thúc đẩy mạnh hơn quá trình phân rã và cô lập đối với Trung Quốc và cả Nga càng thêm sâu sắc vì hai nước này cho thấy họ cùng một phe và có ý đồ làm thay đổi trật tự thế giới nói chung và trật tự kinh tế thế giới nói riêng.

Trong khi đó, Mỹ và phương Tây vẫn sở hữu những yếu tố sức mạnh kinh tế, kiểm soát các định chế, và những lệnh cấm vận đối với Nga cho thấy rằng họ vẫn là thế lực lãnh đạo của trật tự kinh tế thế giới.