>>Khu vực Nam Trung Bộ: Nâng cao kỹ năng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Năm Quốc gia khởi nghiệp 2023 được tổ chức tại Quảng Nam với chủ đề “Lan tỏa khát vọng khởi nghiệp” đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn. Thông qua sự kiện, nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực đã được triển khai, lan tỏa từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

Để hỗ trợ cho các chủ thể, tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều chính sách về quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, phát triển ý tưởng,... Đặc biệt, địa phương cũng đã tích cực “khoác vai” mang các sản phẩm chủ lực đến tiếp thị tại các tỉnh bạn thông qua các hội chợ, sự kiện triển lãm, ngày hội khởi nghiệp,...

Ngoài việc được hỗ trợ về các chính sách, các chủ thể khởi nghiệp tại Quảng Nam cũng được địa phương tạo cơ hội để tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Qua đó, nhiều chủ thể có thêm kinh phí để hoạt động, tự tin hơn trong việc mang sản phẩm của mình “so kè” với nhiều sản phẩm trên thị trường.

a

Phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang trong giai đoạn bùng nổ khi nhiều chính sách hỗ trợ được áp dụng.

Thời gian vừa qua, cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương cũng như các tỉnh bạn, qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết và vươn lên, hiện thực hóa khát vọng xây dựng thương hiệu doanh nhân đất Việt.

Để tiếp tục phát huy tối đa nội lực của mình, nhiều chủ thể khởi nghiệp thể hiện mong muốn được địa phương tích cực hỗ trợ về nguồn vốn lớn hơn để đầu tư, nâng tầm sản phẩm.  Qua đó, khẳng định vị trí sản phẩm tại khu vực cũng như gia tăng sức cạnh tranh về cả nguồn cung và chất lượng.

Anh Đinh Công Đức, Chủ cơ sở Mắm Nhĩ Cửa Đại đã đầu tư vào cơ sở hàng tỉ đồng để sản xuất nước mắm nhĩ truyền thống. Với chứng nhận OCOP cấp tỉnh 4 sao, anh Đức tự tin sản phẩm mình có thể cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp, sản phẩm truyền thống khác. Đồng thời, nhìn nhận về mối quan tâm về sức khỏe của người tiêu dùng, anh Đức cho rằng các sản phẩm đảm bảo về chất lượng, nguyên liệu đầu vào sạch, tự nhiên dần sẽ chiếm ưu thế.

a

Các chủ thể khởi nghiệp từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế và tự tin cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường.

“Để gia tăng sức cạnh tranh và đảm bảo được nguồn cung cho thị trường, bản thân tôi đã lên mục tiêu mở rộng cơ sở sản xuất. Tuy nhiên với nguồn lực của bản thân thì rất lâu mới có thể thực hiện được vì nguồn tiền đổ vào trước đó là rất lớn. Vì vậy, cơ sở cận được hỗ trợ gói từ vay lớn hơn (từ 300-500 triệu đồng) với lãi suất thấp khoảng từ 3-5 năm thông qua khảo sát thực tế cơ sở. Bởi lẽ, cái khó lớn nhất vẫn là dòng tiền, chúng tôi có kế hoạch ,chiến lược ,con người nhưng không có tiền cũng đành chịu”, anh Đinh Công Đức nói.

Theo ý kiến của anh Đức, hiện nay các chủ thể khởi nghiệp đều thực hiện vay vốn bằng hình thức thế chấp vì số vốn từ vay tín chấp rất khó để đủ đáp ứng. Vì vậy, cộng đồng khởi nghiệp cần có nguồn kinh phí hỗ trợ thêm từ phía địa phương để tiếp tục triển khai ý tưởng.

Ngoài ra, anh Đức cũng đề xuất địa phương thể hiện vai trò “cầu nối” với các doanh nghiệp đầu mối để đầu ra của sản phẩm hiệu quả hơn và bền vững hơn. Trong đó, địa phương cần chọn ra những sản phẩm chủ lực , nổi trội, có tiềm năng để kết nối đầu tư sâu và xa hơn, nâng tầm được sản phẩm và địa phương chứ không nên quá giàn trải.

Ông Nguyễn Đăng Việt, Chủ tịch Hội Khởi nghiệp sáng tạo huyện Duy Xuyên cho hay các chính sách hỗ trợ kinh phí của tỉnh về quảng bá sản phẩm khởi nghiệp, OCOP 3-4 sao từ 50-100% cũng đã tạo thuận lợi kết nối cho các chủ thể. Theo ông Việt, các chính sách hỗ trợ đang từng bược phát huy hiệu quả để tạo động lực cho doanh nghiệp, chủ thể.

a

Khởi nghiệp mở Quảng Nam được xây dựng trên nền tảng truyền thống canh tân, đổi mới của quê hương, nhất là sự quyết tâm dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo.

“Hiện nay Hội Khởi nghiệp sáng tạo huyện Duy Xuyên đã có trên 40 hội viên, địa phương cũng đã có kế hoạch hỗ trợ hội viên khởi nghiệp về nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản phẩm thông qua các doanh nghiệp. Cùng với đó, các đơn vị hỗ trợ đầu tư cũng sẽ có truyền tải kinh nghiệm, kiến thức quản lý, định hướng,... để các chủ thể khởi nghiệp tham khảo”, ông Việt cho biết.

Theo nhìn nhận của ông Việt, hành trình khởi nghiệp là một chặng đường dài. Trong đó, các chủ thể phải có chuyên môn, sự học hỏi, kế hoạch, nguồn vốn cụ thể,... chứ không phải là tự phát.

“Nhiều hội viên phải chật vật từ 3-5 năm, nếm đủ mồ hôi nước mắt mới có thể ổn định như hiện nay. Ngoài ra, bài toán bền vững cũng phải được đặt lên hàng đầu, sau đó mới tính đến lợi nhuận và phát triển mạnh”, ông Nguyễn Đăng Việt nhìn nhận.

Được biết, khởi nghiệp mở Quảng Nam được xây dựng trên nền tảng truyền thống canh tân, đổi mới của quê hương, nhất là sự quyết tâm dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo. Tỉnh Quảng Nam chọn thanh niên làm nòng cốt để phát triển kinh tế nên lãnh đạo tỉnh sẵn sàng đồng hành, tổ chức các cuộc đối thoại để lắng nghe tất cả các yêu cầu, kiến nghị, khó khăn của thanh niên trong quá trình khởi nghiệp.

Nói về câu chuyện khởi nghiệp tại Lễ khai mạc Năm Quốc gia khởi nghiệp năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay địa phương đã xác định khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong 3 khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững. Hiện nay, mô hình triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp ở Quảng Nam có nhiều sáng tạo với vai trò hỗ trợ thay cho quản lý của các cơ quan nhà nước và tổ chức hội, đoàn thể.

Cùng với đó, sự đồng hành tâm huyết của đội ngũ chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, hướng đến sự chủ động của cộng đồng khởi nghiệp, xây dựng văn hóa đoàn kết, chia sẻ cùng khởi nghiệp,... từng bước đạt thành tựu được các cơ quan Trung ương, chuyên gia khởi nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp trên cả nước đánh giá cao.