Hoa Kỳ khẳng định không có đối tác lớn nào thao túng thương mại trong 2021.

Hoa Kỳ khẳng định không có đối tác lớn nào thao túng thương mại trong 2021.

>> Ngân hàng Nhà nước bán 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối để cân bằng cung cầu

Đó là ba tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ xem xét các đối tác thương mại đáp ứng các tiêu chí sau: thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỉ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng

Các tiêu chí được lượng hóa bởi Bộ Tài chính Mỹ, và danh sách các nền kinh tế giám sát được xác định trên cơ sở quy định của Đạo luật Thuận lợi hóa và thực thi thương mại năm 2015.

Theo đó, không chỉ riêng Việt Nam mà Bộ Tài chính đã đưa vào Danh sách giám sát gồm 12 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Mexico, và Đài Loan. Theo Báo cáo, Thuỵ Sĩ là nền kinh tế duy nhất đáp ứng cả 3 tiêu chí và Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục thực hiện tiếp xúc nâng cao với Ngân hàng trung ương Thuỵ Sĩ.

Trước đó, năm 2020, Việt Nam cùng Thụy Sĩ là 2 quốc gia bị cáo buộc thao túng tiền tệ, cùng 10 quốc gia bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi. Đến tháng 4/2021, trên cơ sở tiếp xúc bước đầu với Việt Nam cũng như dựa trên các số liệu, phân tích sâu hơn, Bộ Tài chính Mỹ xác định trong giai đoạn năm 2020, không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ theo quy định của Đạo luật cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988. Tại Báo cáo vừa công bố, Mỹ kết luận không có đối tác lớn nào thao túng tiền tệ trong năm 2021. Như vậy, có thể hiểu việc Việt Nam ở trong danh sách 12 quốc gia theo dõi, là việc hạ bậc từ thao túng tiền tệ xuống mức giám sát. 

Diễn biễn tỷ giá VND/USD và chỉ số USD

Diễn biễn tỷ giá VND/USD và chỉ số USD 

Trong thông cáo mới nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong giai đoạn từ tháng 1-12/2021, Việt Nam đáp ứng tiêu chí được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra là thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ ở mức 90 tỷ USD (ngưỡng 15 tỷ USD).

Từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính Mỹ đã tiến hành tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của phía Mỹ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá.

NHNN sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, xây dựng quan hệ thương mại hài hoà, bền vững. Đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Giới chuyên gia cho rằng với việc "trở lại" danh sách Giám sát của Bộ Tài chính Mỹ, tuy Bộ Tài chính Mỹ này đã khẳng định các đối tác lớn không thao túng tiền tệ, song Việt Nam vẫn sẽ bị hạn chế nhất định trong điều hành chính sách tỷ giá.

Cụ thể là NHNN sẽ phải điều hành tỷ giá linh hoạt hơn và sát diễn biến thị trường hơn thay vì neo tiền đồng gần như cố định với đồng USD. Bên cạnh đó, NHNN sẽ cẩn trọng hơn trong việc mua ròng ngoại tệ liên tục với số lượng lớn và đồng nội tệ có thể chịu áp lực lên giá so với đồng USD trong năm nay. 

Diễn

So với nhiều đồng tiền khác trong khu vực, VND có biên độ giảm giá thấp hơn

Trên thực tế, NHNN thời gian qua đã bán ròng và giảm quỹ dự trữ ngoại hối. Bởi khi đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế mạnh lên, được giới đầu tư lựa chọn như hầm trú ẩn vững chắc trước lạm phát kỷ lục, với sự hỗ trợ của chính sách liên tục nâng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, trong khi đó giá hàng hóa tăng liên tục, áp lực với đồng nội tệ càng lớn. Mới đây nhất, NHNN đã phải bán khoảng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối để cân bằng cung cầu ngoại hối. Bên cạnh đó, áp lực của cán cân thương mại đảo chiều với thâm hụt trong tháng 5 tới -1,7 tỷ USD khiến nguồn cung ngoại hối có dấu hiệu căng thẳng khiến NHNN phải can thiệp bán ra.

Theo dữ liệu của CTCK Mirea Asset, tính đến cuối tháng 5, tỷ giá VND/USD tăng 0,94% so với cuối tháng 4, và tăng 1,56% so với cuối năm 2021. VND bị mất giá tương đối so với USD; tuy vậy, mức độ mất giá của VND ở mức vừa phải so với sự mất giá của đồng tiền các nước châu Á khác, một phần nhờ vào nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, nguồn vốn FDI giải ngân vẫn lạc quan, cán cân thương mại duy trì thặng dư.

Bộ phận phân tích của công ty này nhận định, trong bối cảnh đồng USD tăng giá, VND kì vọng sẽ ổn định và giảm giá tương đối khoảng 1% so với USD trong năm 2022, nhờ vào: 1) Cơ chế điều tiết cung cầu ngoại tệ linh hoạt của NHNN; 2) Kì vọng cán cân thương mại thặng dư trong năm 2022 khi xuất khẩu tiếp tục tăng tốc; 3) Dòng vốn FDI kì vọng tích cực nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu; 4) Dự trữ ngoại hối đạt mức cao và có xu hướng tăng (ngoại trừ động thái bán ra để can thiệp khi thị trường có dấu hiệu căng thẳng nguồn cung như nêu trên -BT); 5) Việt Nam đã được ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ vào tháng 4/2021, và được Mỹ dỡ bỏ đe dọa thuế quan do “thao túng tiền tệ” vào cuối tháng 7/2021, điều này sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD (tuy nhiên, nhận định chưa cập nhật nội dung  Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ" mà Mỹ vừa công bố ngày 10/6).

Có thể nói, nhờ thành quả củng cố dự trữ ngoại hối tích cực, tranh thủ lúc nguồn cung ngoại tệ dồi dào, giúp Việt Nam có dự trữ ngoại hối ước khoảng gần 110 tỷ USD tại cuối 2021, đây vẫn sẽ là dư địa lớn giúp Việt Nam ứng phó với bối cảnh hiện tại.

Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia Tài chính cho rằng vì vậy, dù có áp lực, tiền đồng sẽ không có biên độ  giảm rộng và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Vị chuyên gia này cũng cho rằng vấn đề dài hạn của Việt Nam để không phải trong danh sách theo dõi, vẫn là phải xây dựng mối quan hệ thương mại song phương hài hòa, cũng như luôn chứng minh mối quan hệ thương mại có tính chất bổ sung lẫn nhau giữa hai nước.